Ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân
Thủ tướng yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.
Tại công điện ngày 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 âm 1,12% so với cuối năm 2023.
Ngoài vì tính thời vụ, nhu cầu vay giảm vào đầu năm, kinh tế khó khăn, giới chuyên môn cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp còn do người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có Chỉ thị 01, trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân công bố.
Tại hội nghị ngành ngân hàng hôm 20/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc công khai là "kỷ cương điều hành", các ngân hàng đều phải thực hiện. Lãi suất công bố sẽ là mức bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, doanh nghiệp, loại hình.
Về phía ngân hàng, theo Phó thống đốc, việc này sẽ giúp các nhà băng cạnh tranh công bằng, khách quan. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có chế tài về vấn đề này, song Phó thống đốc cảnh báo "nếu ngân hàng không công bố sẽ phải chịu chế tài của dư luận".
Tại công điện hôm nay, để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm lãi suất cho vay, rà soát kết quả cấp tín dụng của hệ thống, với từng ngành, lĩnh vực. Ông lưu ý nguồn vốn cho vay phải hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì các lĩnh vực rủi ro.
Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra chặt các hoạt động cho vay không đúng đối tượng ưu đãi, như cho vay với ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau...
Ngành ngân hàng phải bảo đảm cấp đủ vốn cho nền kinh tế, để doanh nghiệp, người dân có thể đầu tư phát triển. "Tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm", công điện nêu.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế tăng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận