Ngân hàng 'ôm' nhiều vốn thừa tiền, đồng loạt giảm lãi suất huy động
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vừa giảm trung bình từ 0,25 - 0,5%/năm do tín dụng tăng thấp, ngân hàng 'ôm' vốn nhưng khó cho vay ra.
Từ chỗ chạy đua huy động bằng cách đưa lãi suất tiền gửi lên sát mức 9%/năm, hiện đỏ mắt mới kiếm được mức lãi suất huy động 7%/năm.
Đi đầu trong làn sóng giảm lãi suất huy động đợt này là các ngân hàng quốc doanh.
Vietcombank vừa giảm lãi suất hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 và 2 tháng lãi suất giảm 0,3%/năm, xuống 3,7%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,25%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng và các kỳ hạn dài 12 tháng đến 36 tháng mức giảm khá mạnh, lên đến 0,5%/năm. Hiện mức huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.
Tại BIDV, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,3%/năm, còn 3,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng đồng loạt giảm 0,5%/năm. Lãi suất cao nhất chỉ còn 6%/năm.
Không chỉ Vietcombank, BIDV, hai "ông lớn" khác là Agribank, VietinBank cũng giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Làn sóng giảm lãi suất cũng đồng loạt diễn ra tại các ngân hàng cổ phần. Theo biểu lãi suất mới nhất ngày hôm nay, 3-7 tại Ngân hàng ACB, mức lãi suất 7%/năm không còn hiện diện trên biểu lãi suất của ngân hàng này mà mức lãi suất cao nhất chỉ còn 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15 và 18 tháng.
Tại Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đã rớt xuống dưới 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất còn 5,7%/năm. Các kỳ hạn 24 tháng trở lên lãi suất còn 6,7%/năm.
Ngân hàng VIB cũng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến 5 tháng với mức giảm 0,3%/năm, xuống dưới mức 4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng, mức giảm dao động từ 0,6 - 0,8 %/năm.
Trong khi đó, dù đã giảm lãi suất huy động tuy nhiên mức lãi suất tại Ngân hàng Nam Á vẫn khá cao. Hiện các kỳ hạn huy động từ 12 tháng trở lên tại ngân hàng này đều được áp dụng lãi suất từ 7,1 - 7,2%/năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ trước đây áp dụng lãi suất cao, lên đến trên 8%/năm cho các kỳ hạn gửi dài nay chỉ còn áp dụng cho các khoản tiền gửi 500 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Trên thực tế ít cá nhân nào có thể với đến mức lãi suất này. Đa phần lãi suất kỳ hạn 13 tháng neo ở mức cao do các ngân hàng dùng kỳ hạn này làm tham chiếu để tính lãi suất cho vay nên mới neo ở mức cao.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29-6 tín dụng toàn hệ thống mới tăng 3,26%, trong khi hạn mức tín dụng đề ra từ đầu năm là 13 - 14%/năm. Riêng khu vực TP.HCM tín dụng 6 tháng chỉ tăng 2,5% thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong khi những năm trước đây, tín dụng khu vực TP.HCM luôn tăng cao hơn.
Theo các ngân hàng, hiện nay tình trạng chung là đang dư tiền vì huy động nhiều mà chưa cho vay được. Thậm chí có những gói ngân hàng đã triển khai nhưng khó giải ngân sau dịch vì nhu cầu vốn của khách hàng lúc này chưa có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận