24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng ‘ồ ạt’ điều chỉnh lãi suất huy động để hút vốn dài hạn

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động từ 0,1 – 0,4%/năm, thậm chí thêm 0,7 – 0,8%/năm, tùy từng kỳ hạn so với trước nhằm bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để hút vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cho khách hàng những tháng cuối năm.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức, mới đây nhất, ABBank triển khai chương trình “Tiết kiệm An gia - Nhận quà Lãi suất” áp dụng đối với các sản phẩm tiền gửi tiền Việt Nam đồng dành cho khách hàng cá nhân trong vòng 3 tháng với lãi suất lên đến 8,5%/năm. So với mức lãi suất cũ, ABBank đã tăng lần lượt 0,7% và 0,8%/năm cho mỗi kỳ hạn. Với mức lãi suất mới, sản phẩm gửi tiết kiệm tại ngân hàng này được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay dành cho khách hàng cá nhân.

Tại Ngân hàng Kiên Long, tiền gửi tiết kiệm các kì hạn 13 tháng và 36 tháng đang được ngân hàng huy động với lãi suất 7,8%/năm (tăng 0,5% so với trước); tiết kiệm các kì hạn 15 tháng, 18 tháng và 24 tháng có mức lãi suất cao nhất là 8%/năm. “Gửi tiết kiệm đang là hình thức tích trữ và đầu tư an toàn trong bối cảnh hiện nay. Riêng về sản phẩm gửi tiết kiệm, Kiên Long đang triển khai 9 sản phẩm riêng biệt, hướng tới các nhóm khách hàng khác nhau”, đại diện Ngân hàng Kiên Long nói.

Lãi suất tiết kiệm từ 11 tháng trở xuống của Eximbank hiện chỉ 5,8%/năm nhưng với kỳ hạn gửi 12 tháng thì tăng lên 7,8%/năm và từ 13 tháng trở lên ở mức 8,3 - 8,4%/năm. Theo lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt, hiện huy động vốn tiết kiệm chủ yếu tập trung ở những kỳ hạn ngắn hoặc từ 12 - 18 tháng là dài nhất nên Ngân hàng Bản Việt còn đưa ra chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn lên 5 năm với mức lãi suất hấp dẫn để khách hàng có thể dịch chuyển dòng tiền gửi từ ngắn hạn sang dài hạn.

Theo đó, Ngân hàng Bản Việt đã chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm. Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm.

Theo Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, việc tăng lãi suất sẽ giúp ngân hàng đón đầu cơ hội kinh doanh trong những tháng cuối năm. SHB đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết: “Đợt điều chỉnh lãi suất lần này là nỗ lực của ngân hàng nhằm tạo cơ hội gia tăng lợi ích tài chính cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, ABBank cũng mong muốn thu hút, bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”.

Như vậy, không chỉ tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng phát hành cao hơn hẳn so với hình thức gửi tiền tiết kiệm. Trong đó, có 2 ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,1%/năm là VIB và VietABank. Những ngân hàng khác đa số phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm.

Trước sự cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng đang ngày càng tăng với mức lãi suất trên 10%/năm kỳ hạn dài cho thấy, ngân hàng đang tìm nguồn vốn ổn định trong thời gian tới. Điều này được một số chuyên gia tài chính dự báo: Đường cong lãi suất thời gian tới không giảm mà có xu hướng tăng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, trước hết là quy định của NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% trong năm nay và trong những năm sắp tới có thể chỉ còn 30%. Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ có vốn ngắn hạn nhiều nên phải tăng cường vốn trung và dài dạn bằng cách tăng lãi suất. Khi ngân hàng tăng lãi suất như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất của cả hệ thống".

“Tính theo NIM (tỷ lệ lợi nhuận giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động) của các ngân hàng hiện ở mức 3%, nếu giảm lãi suất cho vay có thể giảm lãi suất huy động nhưng việc giảm lãi suất huy động là khó nên có thể các ngân hàng phải hy sinh giảm tỷ lệ lợi nhuận", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trong khi đó, chi phí vốn của các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa vẫn ở mức cao nên nhiều ngân hàng trong thời gian tới khó giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng có room tín dụng thấp, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao. Ở thời điểm hiện nay, chỉ những ngân hàng dư thừa nguồn vốn ngắn hạn mới có cơ hội giảm lãi vay ở kỳ hạn ngắn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả