Ngân hàng Nhà nước đang mở hay đóng van tín dụng bất động sản?
Với Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước dường như đang đẩy rủi ro sang cho các NHTM cổ phần khi tăng room cho vay tại các tổ chức này.
Nhiều thông tin cho rằng, với Thông tư 22/2019, Ngân hàng Nhà nước đang siết lại van tín dụng bất động sản khi có quy định rõ ràng về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ nội dung của Thông tư 22 và so sánh với các quy định trước đó, có thể thấy NHNN đúng hơn là đang mở chứ không phải đóng van tín dụng với các khoản vay có rủi ro cao như bất động sản và BOT.
Trước thực tế có những ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa quản lý tốt nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiện không đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn. Khi gặp khó khăn về nguồn vốn, ngân hàng phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng, làm tăng lãi suất huy động cũng như cho vay, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước. Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2016/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống 50% kể từ đầu năm 2017 và 40% kể từ đầu năm 2018.
Tuy nhiên, trước thực tế không ít ngân hàng khó đáp ứng quy định tối đa 40% kể từ đầu năm 2018 nên trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 45% kể từ đầu năm 2018 và 40% kể từ đầu năm 2019. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là gây khó cho lĩnh vực bất động sản, BOT khi nguồn vốn huy động tại các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, còn vốn vay của 2 lĩnh vực nêu trên là trung và dài hạn.
Để gỡ khó cho các ngân hàng và doanh nghiệp, trong Thông tư 22 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2020, NHNN tiếp tục "giãn" thời gian các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Cụ thể, Thông tư 22 đưa ra quy định về lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; Từ ngày 1/10/2020 - 30/9/2021 giảm xuống còn là 37%; Từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022 giảm xuống còn là 34%; Từ 1/10/2022 giảm xuống còn là 30%.
Cùng với đó, Thông tư 22 quy định tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Không còn mức phân biệt giữa ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần như trước đó quy định tại thông tư 36/2014.
NHNN đẩy rủi ro sang cho ngân hàng thương mại cổ phần
Một trong những thông tin đáng lưu ý tại Thông tư 22 là quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, khi không còn sự phân biệt giữa NHTM nhà nước và NHTM cổ phần. Với quy định mới này, Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra thông điệp "siết" tín dụng tại các NHTM nhà nước và "mở" van tín dụng với các NHTM cổ phần.
Cụ thể, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của NHTM nhà nước giảm từ 90% xuống 85%; với NHTM cổ phần tăng từ 80% lên 85%.
Tuy nhiên, quy định này của NHNN lại đang vấp phải lo ngại "đẩy rủi ro sang cho các NHTM cổ phần", đi ngược lại mong muốn kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro, có kỳ hạn dài như bất động sản, BOT của NHNN.
Hiện các NHTM nhà nước đang chiếm khoảng 50% vốn tín dụng cho nền kinh tế. Việc bớt 5% của NHTM nhà nước và tăng thêm 5% cho các NHTM tư nhân hứa hẹn sẽ không ảnh hưởng nhiều tới tổng cung vốn ra nền kinh tế, nhưng sẽ san bớt gánh nặng cho vay từ NHTM nhà nước sang NHTM cổ phần. Có ý kiến cho rằng đây là "món quà" với các NHTM, nhưng cũng có ý kiến lo ngại đây sẽ là rủi ro lớn nếu như các ngân hàng cổ phần mở rộng cho vay các lĩnh vực đang khát vốn như bất động sản, BOT.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, đã không còn tiền cho vay mới với các dự án BOT khi nguồn thu tại các dự án cũ không đạt như phương án ban đầu được ngân hàng duyệt để vay vốn. Đây quả là một bài toán khó với các ông lớn quốc doanh.
Việc siết lại tỉ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại các NHTM nhà nước tại Thông tư 22 thể hiện rõ quan điểm của NHNN trong việc cho vay các dự án nhiều rủi ro như BOT, bất động sản thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại động thái siết này chỉ là với các NHTM nhà nước, còn tại các NHTM cổ phần thì lại mở ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận