Ngân hàng nào có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao nhất?
Không thể phủ nhận rằng, cho vay kỳ hạn dài thật sự hấp dẫn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải gặp rủi ro thanh khoản nhiều hơn, nhất là trong điều kiện tỷ trọng vốn ngắn hạn vẫn chiếm trọng yếu trong cơ cấu nguồn vốn huy động.
Thực tế, mặc dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài nhưng người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do tâm lý chờ đợi mức lãi suất có thể sẽ tăng trong tương lai. Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát quay trở lại cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn.
Ngoài ra, trong điều kiện môi trường lãi suất thấp như hiện nay, các thị trường khác như bất động sản hay chứng khoán được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn thay vì gửi tiết kiệm, người dân cũng sẽ chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để dễ dàng rút tiền đầu tư vào các thị trường khác khi có cơ hội.
Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, nên các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Thống kê từ 26 ngân hàng thương mại tại thời điểm 31/03/2021 cho thấy có đến 12 ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao hơn 30%. Trong đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Đáng chú ý, OCB là ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao nhất trong quý 1, ở mức 53%.
Tại ngày 31/03/2021, Ngân hàng này có 65,239 tỷ đồng cho vay trung dài hạn, tăng 3% so với đầu năm, trong khi nguồn vốn trung dài hạn ở mức 17,590 tỷ đồng, giảm 1%. Do đó, OCB cần thêm 47,649 tỷ đồng vốn ngắn hạn (tăng 4% so với đầu năm) mới đáp ứng đủ nhu cầu cho vay, trung dài hạn trong quý 1.
Hai ngân hàng khác cũng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trên 50% là Techcombank (HM:TCB) và VIB.
Trong đó, Techcombank cho vay trung, dài hạn hơn 175,762 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, nhưng vốn trung dài hạn ở mức 27,544 tỷ đồng, giảm 2% nên vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn là 148,218 tỷ đồng (tăng 8% so với đầu năm), chiếm 52% trong tổng nguồn vốn ngắn hạn.
Tương tự, VIB có dư nợ cho vay trung dài hạn 120,627 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, còn vốn trung dài hạn đạt 54,030 tỷ đồng, tăng 6% dẫn đến vốn ngắn hạn cho vay kỳ hạn dài là 66,598 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 51% trong tổng nguồn vốn ngắn hạn.
Trường hợp duy nhất có đủ nguồn vốn trung dài hạn đáp ứng được nhu cầu cho vay kỳ hạn dài là Bac A Bank khi nhà băng này chỉ có dư nợ cho vay trung dài hạn ở mức 43,746 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm, trong khi nguồn vốn cho vay trung dài hạn đến 48,911 tỷ đồng, tăng 1%. Do đó, Ngân hàng không cần dùng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Vì chu kỳ của kỳ vay ngắn hạn tương đương với chu kỳ kinh doanh sản xuất của khách hàng nên thời gian có thể thu hồi vốn đối với khoản vay ngắn hạn là tương đối nhanh, các rủi ro có thể phát sinh hoặc khả năng phát sinh nợ xấu sẽ thấp hơn so với các khoản vay trung và dài hạn. Mức lãi suất áp dụng cho hình thức huy động vốn ngắn hạn cũng thấp hơn so với huy động vốn dài hạn.
Trong khi đó, cho vay kỳ hạn dài sẽ gặp rủi ro hơn nên bù lại sẽ có lãi suất cao hơn. Do vậy,việc cho vay kỳ hạn dài hấp dẫn hơn nhiều so với cho vay ngắn hạn vì giúp ngân hàng có được biên lợi nhuận cao hơn, từ đó củng cố lợi nhuận chung của ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản. Việc “bóc ngắn, cắn dài” sẽ đẩy ngân hàng gặp khó khăn trong việc thực hiện những nghĩa vụ trả nợ khi những công cụ nợ tài chính đến hạn ở những thời điểm bình thường hoặc khó khăn. Trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản, các ngân hàng buộc phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, làm gia tăng mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Theo như quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN thì đến ngày 30/09/2021, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40%. Điều này khả năng sẽ làm tăng áp lực đối với các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao khi phải huy động nguồn vốn dài hạn với chi phí cao để có thể đáp ứng cho vay kỳ hạn dài, dẫn đến làm giảm lợi thế của các ngân hàng này.
Cho nên, hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận