Ngân hàng mở "đại tiệc phí": Khách hàng hưởng lợi ra sao?
Các ngân hàng thừa nhận, việc áp dụng 'đại tiệc phí' sẽ là áp lực rất lớn về mặt kinh doanh cho ngân hàng. Tuy nhiên, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, ngân hàng cũng chấp nhận đầu tư.
Ngày 13/4, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch". Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2.
Nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của cơ quan quản lý
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Văn Tuyên đánh giá, thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới.
Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking, … kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.
Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: TP)
Vừa qua NHNN đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Mới đây, NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.
NHNN cũng tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM.
Một thống kê cho thấy, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Đây là những con số "biết nói" cho thấy sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng mở "đại tiệc phí" để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại tọa đàm, ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Hay nói cách khác, với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất.
"Chủ trương của Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế, ngành ngân hàng tham gia sâu vào nội dung này. Với lĩnh vực thanh toán, bên cạnh giảm lãi suất, phí quan trọng. Thành công và hiệu ứng sâu là "đại tiệc phí" được các ngân hàng đồng loạt giảm thời gian gần đây. Các ngân hàng đưa ra phí 0 đồng trọn đời cho khách hàng của mình", ông Hà nêu.
Có thể nói rằng, cuộc đua phí 0 đồng bước vào giai đoạn cạnh tranh "khốc liệt" kể từ thời điểm 4 "ông lớn" quốc doanh chính thức tham gia. Theo lý giải của các ngân hàng, việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, giúp thuận tiện và dễ dàng khi giao dịch trên ngân hàng số. Đồng thời, nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản thanh toán giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán online.
Bà Phan Thị Thanh Hà - Phó giám đốc trung tâm Thẻ Agribank. (Ảnh: TP)
Chẳng hạn như tại Agribank, bà Phan Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết: Hiện nay, thanh toán qua thẻ khách hàng của Agribank không phải trả bất cứ phí gì.
"Thời gian qua, giao dịch bằng thẻ và trên điện thoại miễn phí hoàn toàn. Dịch vụ thẻ khuyến khích khách hàng chi tiêu, khách hàng không phải trả phí gì, thậm chí chi tiêu bằng thẻ sẽ hoàn tiền, thêm giá trị gia tăng cho khách hàng", bà Hà thông tin.
Ngoài ra, Agribank còn tạo thuận lợi cho khách hàng là giao dịch 24/7 và hạn mức lớn đến 3 tỷ đồng. Khách hàng có thể chủ động khai báo hạn mức trên điện thoại. Điện thoại thông minh trở nên một ngân hàng thu nhỏ.
Là công ty chuyển mạch quốc gia, ông Nguyễn Quang Minh đại diện Napas cũng chia sẻ: Trong năm 2021 Napas đã miễn 1.200 tỷ đồng phí cho các ngân hàng, bên cạnh đó miễn giảm phí cho tất cả các giao dịch dưới 500.000 đồng.
"Và rất vui khi hiện nay trên 90% các ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng", ông Minh bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas)
Nói thêm về những chính sách của Napas để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Minh cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, Napas luôn ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch công. Trong thời gian vừa qua, Napas đã tích cực, chủ động tham gia triển khai cùng các cơ quan chức năng liên quan.
Thời điểm hiện tại, Napas đã triển khai đến 48 địa phương, 15 Bộ, ngành, qua đó thực hiện thanh toán cho 5 nhóm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia như nộp thuế, bảo hiểm, vi phạm giao thông, các lệ phí khác
Bên cạnh cách thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống như thanh toán trực tuyến bằng thẻ, Napas còn hỗ trợ thanh toán bằng sử dụng số tài khoản hay mã QR code để tạo sự tiện lợi cho người dân, đem lại sự dễ dàng sử dụng và thuận lợi.
Về phí, Napas luôn có chính sách đối với dịch vụ công đặc biệt, thời gian vừa qua Napas hoàn toàn miễn phí trong tất cả giao dịch thanh toán dịch vụ công
Trong thời tới, Napas sẽ tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu, hệ thống của các cơ quan nhà nước như thuế, kho bạc, hải quan,... thực hiện là cầu nối để thúc đẩy kênh thanh toán của các ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối qua Napas. Qua đó, bản thân các ngân hàng, công ty thanh toán, fintech hoàn toàn có thể chủ động đa dạng hóa trải nghiệm người dùng và lựa chọn để người dân có thể thông qua các kênh thanh toán của mình để thực hiện thực toán dịch vụ công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận