Ngân hàng kiếm ngàn tỉ từ hợp đồng bảo hiểm
Hàng loạt các thương vụ ký kết hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã và sẽ mang lại nguồn lãi tích lũy đều đặn cho nhà băng trong nhiều năm tới, nhưng đây cũng là áp lực buộc các ngân hàng phải tăng doanh số bảo hiểm.
Mới đây, MSB chính thức mở rộng mối quan hệ hợp tác từ năm 2013 với công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam bằng hợp đồng bancassurance độc quyền trong 15 năm. Ước tính của Công ty chứng khoán SSI đánh giá mức phí trả trước (Upfront-Fee) mà bảo hiểm phải trả cho ngân hàng là khoảng 80-90 triệu đô la (tương đương khoảng 1,9-2,1 ngàn tỉ đồng), trong khi Công ty chứng khoán VCBS ước tính có thể lên khoảng 3.500 tỉ đồng và hạch toán trong vòng 3-5 năm.
Không chỉ MSB mà nhiều ngân hàng khác dự kiến sẽ sớm ghi nhận khoản lãi rất lớn từ hợp đồng độc quyền với bảo hiểm trong thời gian tới.
Chẳng hạn như trường hợp của Vietinbank, theo VCBS, mức phí trả trước (Upfront fee) cho việc bắt tay với Manulife vào năm ngoái ước đạt 8.000 tỉ đồng. Trong năm 2021 này, dự kiến Vietinbank sẽ bắt đầu ghi nhận khoảng một phần năm phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020, tương đương khoảng 1.600 tỉ đồng.
Vào cuối tháng 12 năm ngoái, ACB cũng bắt tay với Công ty bảo hiểm Canada là Sunlife, thỏa thuận hợp tác độc quyền trong vòng 15 năm. Giá trị thương vụ được giới quan sát ước tính lên đến 370 triệu đô la, tương đương với 8.500 tỉ đồng. Trong báo cáo mới đây về ngân hàng, SSI ước tính Sunlife sẽ thanh toán khoản 567 tỉ đồng phí trả trước cho ACB và trải đều cho 15 năm.
Một thương vụ lớn khác đình đám trước đây là việc thông tin FWD chi khoảng 1 tỉ đô la để có được cái “gật đầu” của Vietcombank, trong đó khoản “lót tay” đầu tiên 400 triệu đô la bao gồm cả giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng tại liên doanh bảo hiểm Vietcombank-Cardif.
Giao dịch này chính thức được công bố hoàn thành vào tháng 4 năm ngoái. Theo ghi nhận của SSI, Vietcombank bắt đầu ghi nhận khoản phí trả trước khoảng 73 triệu đô la, tương đương khoảng 1.700 tỉ đồng, tương ứng 20% tổng phí.
Bắt tay độc quyền với bảo hiểm đang là chiến lược quan trọng của nhiều ngân hàng. Theo đánh giá của BSC, việc ký kết các hợp đồng bancassurance độc quyền là một trong những nhân tố giúp ngành ngân hàng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư trong những năm qua. Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn. Thêm nữa, bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp cũng hỗ trợ tăng thu nhập từ phí bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm liên kết đầu tư, SSI đánh giá.
Theo dự báo của BSC, năm nay một ngân hàng còn dự kiến ký kết độc quyền là HDBank. Doanh thu hoạt động dịch vụ của ngân hàng trong quí 4 năm ngoái ghi nhận tăng mạnh, chủ yếu nhờ vào việc bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi, khi ngân hàng đẩy mạnh bán bảo hiểm.
HDBank cũng đặt tham vọng lớn về bancassurance, với mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu đạt 1.200 tỉ đồng trong năm 2021 và năm 2023 ngân hàng lọt vào Top 3 về doanh số. “Nếu ngân hàng có thể duy trì được doanh số bán bancassurance ở mức tốt, điều này cũng sẽ có thể là một lợi thế cho việc đàm phán hợp đồng bancassurance độc quyền trong tương lai”, SSI đánh giá.
Theo báo cáo của Fiingroup, năm 2020 tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng ước tăng bình quân 12,8% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 16,1%. Việc hợp tác độc quyền với bảo hiểm và các khoản đầu tư chứng khoán đóng góp đáng kể cho lợi nhuận các nhà băng. Tuy nhiên, Fiin Group cũng cho rằng các yếu tố tăng trưởng này không mang tính bền vững và có thể là rủi ro trong năm nay.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh nội dung không được "ép" người đi vay mua bảo hiểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận