Ngân hàng kéo dài thời gian hồi sức cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ được giãn, hoãn thời gian trả nợ, không chuyển nhóm nợ đến cuối năm nay, thay vì 3 tháng sau dịch như hiện tại.
Kéo dài thời gian hỗ trợ tín dụng với các doanh nghiệp
Đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi suất rất thiết thực mà các ngân hàng thực hiện cho doanh nghiệp thời gian qua, song ông Võ Sơn Điền, Giám đốc tiếp thị Becamex cho rằng, đối với doanh nghiệp hiện nay, lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp tục giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…, bởi dòng tiền nằm ở các đối tác vẫn chưa chảy về.
Không chỉ Becamex, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang thấp thỏm khi thời hạn cơ cấu nợ, giãn nợ theo Thông 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đã sắp hết mà vẫn chưa tìm ra nguồn trả nợ.
Trước lo lắng của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, đã nắm bắt được vướng mắc của doanh nghiệp và đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cũng cho biết, NHNN đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh theo tinh thần kéo dài thời gian hỗ trợ.
NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính và thống nhất một số nội dung sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo tinh thần mở rộng đối tượng được hỗ trợ, như bổ sung quy định cho phép các tổ chức thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với những nợ phát sinh nghĩa vụ nợ trả gốc và lãi hoặc lãi trong thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2020 (hiện tại quy định là từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch).
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến 10/6/2020 (hiện tại chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/1/2020). Ông Phi cho biết thêm, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư sửa đổi để nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhiều khả năng, Thông tư sửa đổi sẽ được ban hành ngay trong tháng 10/2020.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ sẽ khiến ngân hàng tiếp tục mất lãi, dù vậy, đây là nhu cầu rất bức thiết của doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu chấm dứt cơ cấu lại trong khi doanh nghiệp vẫn chưa có nguồn thu, thì ngân hàng cũng có nguy cơ tăng nhanh nợ xấu. Vì vậy, sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN là cần thiết với cả người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn chưa hết ngủ đông
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến giữa tháng 9/2020, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên tới 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Tính đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng, chủ yếu là ngân hàng, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, khách hàng vẫn đang có tâm lý “ngủ đông” do lo sợ dịch bệnh. Số lượng khách hàng có nhu cầu cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi cho các khoản vay hiện hữu nhiều hơn số lượng khách hàng có nhu cầu vay mới. Trong bối cảnh này, việc NHNN sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để hồi sức, có nguồn trả nợ ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc kéo dài thời gian giãn nợ đến thời điểm 31/12/2020 là hợp lý vì đã đánh giá được cơ bản tác động của dịch bệnh đến sản xuất - kinh doanh, cho doanh nghiệp một khoảng thời gian phù hợp để phục hồi, tính từ thời điểm cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới (tháng 5/2020).
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN.
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi sau dịch. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Quan điểm của NHNN là phát triển tín dụng hiệu quả đi đôi với an toàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận