Ngân hàng giảm chi phí vốn
Những nguồn vay mới từ tổ chức quốc tế cùng với đà hạ lãi suất tiền gửi trong nước đang giúp VPBank giảm đáng kể chi phí vốn, qua đó tối ưu lợi nhuận ngân hàng.
Ngày 04/08, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, công bố sẽ cung cấp các khoản vay thời hạn một năm và có thể gia hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Được biết, khoản vay nằm trong gói tài trợ của IFC nhằm hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp đang chịu khủng hoảng Covid-19.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã nhận được khoản tín dụng trị giá 212.5 triệu USD từ IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín, bao gồm Quỹ đồng cho vay được quản lý bởi IFC, Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China), Tổ chức tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Company Limited.
Các khoản tín dụng trên cho thấy VPBank nằm trong số ít ngân hàng tư nhân Việt Nam có được niềm tin từ các định chế tài chính quốc tế. Từ đó, giúp ngân hàng này có thể huy động được lượng vốn quốc tế đáng kể phục vụ cho các mục tiêu phát triển dài hạn.
Những khoản tín dụng lớn từ IFC và các tổ chức quốc tế khác đã giúp ngân hàng tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng doanh nghiệp, và hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó bởi dịch bệnh. Đồng thời, về phía ngân hàng, khoản tiền từ các đối tác ngoại hỗ trợ đáng kể cho VPBank đa dạng hóa nguồn huy động vốn, từ đó giảm chi phí huy động.
Với đặc thù kinh doanh tập trung vào phân khúc khách hàng có phần rủi ro hơn so với các ngân hàng khác, lâu nay, VPBank luôn phải đối mặt với bài toán chi phí huy động. Dù có quy mô tổng thu nhập hoạt động lớn nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, song chi phí vốn cao đã ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của ngân hàng.
Trong ĐHĐCĐ năm 2020, ban lãnh đạo VPBank đã đề ra mục tiêu giảm được khoảng 0.5% chi phí vốn so với năm 2019. Các biện pháp được đưa ra bao gồm tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), huy động vốn quốc tế và các nguồn khác như trái phiếu doanh nghiệp.
Trong cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng mẹ VPBank 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiền gửi của khách hàng chiếm 80.7%, tăng mạnh gần 6% so với thời điểm quý 1/2020. Tiền gửi khách hàng tăng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi của VND liên tiếp hạ từ đầu năm đến nay, cùng với việc tối ưu hóa bảng cân đối vốn, đã giúp VPBank giảm đáng kể chi phí vốn.
Các nguồn huy động vốn từ trái phiếu, các tổ chức quốc tế đang chiếm 12% tổng nguồn vốn. Theo báo cáo từ HNX, trong nửa đầu năm nay, VPBank đã phát hành gần 7,000 tỷ đồng trái phiếu, thường có kỳ hạn dài trên 3 năm, với lãi suất phát hành thường chỉ ở mức 6%/năm trong suốt kỳ hạn, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 năm của ngân hàng.
Nguồn vốn kỳ hạn dài và lãi suất thấp giúp VPBank đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thấp hơn mức quy định 40% của Ngân hàng Nhà nước, ở mức an toàn 26.4%.
Giảm chi phí vốn thúc đẩy đáng kể lơi nhuận ngân hàng. Nửa đầu năm 2020, ngân hàng riêng lẻ VPBank ghi nhận lãi trước thuế đạt 4,188 tỷ đồng, tăng 88.2% so cùng kỳ.
Ông Vinh cho biết hiện tại, chi phí vốn của VPBank vẫn đang cao hơn trung bình ngành. Từ nay tới cuối năm, nhà băng sẽ tiếp tục tập trung giảm chi phí vốn, kỳ vọng giảm 0.3-0.4%, để đưa chi phí vốn của VPBank về tiệm cận mức trung bình thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận