Ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?
Theo giới chuyên gia, cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đang gặp nhiều trở ngại.
Trả lời Báo Công Thương ngày 26/4, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu sau thời gian dài bị “đóng băng”.
Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, khi các tổ chức tín dụng được lại mua trái phiếu ngay thì tính thanh khoản của hệ thống sẽ tăng lên, giúp thị trường trái phiếu đỡ căng thẳng, đồng thời cũng giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý việc cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán có thể có rủi ro, nên cần cơ chế giám sát. Nhưng trước khó khăn thị trường, thời hạn đáo hạn đã cận kề, cần cân nhắc sao cho hợp lý. Trước mắt cho ngân hàng mua lại sẽ đỡ khó khăn cho thị trường, giảm bớt áp lực dòng tiền, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Quy định mới giúp hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Ngân hàng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.
Thị trường trái phiếu vốn là kênh dẫn vốn quan trọng, từng trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021 với khối lượng phát hành lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường này đã chững lại sau các vụ khởi tố lãnh đạo vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp bất động sản như Tân Hoàng Minh...
Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã khuyến nghị các tổ chức phát hành chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin cho nhà đầu tư yên tâm tiếp tục đầu tư đối với các trái phiếu có tình hình tốt.
Bộ Tài chính cũng đã làm việc với gần 40 doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn đáo hạn trong năm 2022 và năm 2023 để đề nghị các doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn, đảm bảo giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Theo Bộ Tài chính, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy định về công bố, công khai thông tin; thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhà đầu tư theo phương án phát hành đã được công bố, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp; chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các hoạt động kiểm toán để tăng cường tính công khai, minh bạch giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan để quyết định việc đầu tư trái phiếu...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận