Ngân hàng đầu tiên trích lập xong Thông tư 03?
Hôm nay (17/5), Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bắt đầu có hiệu lực…
Một trong những điểm chính của Thông tư 03 là cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện trích lập dự phòng cho dư nợ cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm (để hỗ trợ khách hàng trong diện cho phép) trong thời gian 3 năm.
Cân đối đơn giản, trong 3 năm đó, các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho lượng dư nợ liên quan khoảng 30%...
Ở cơ chế này không giới hạn mức tối đa mà mỗi ngân hàng chủ động tự trích lập dự phòng. Đây cũng là điểm mở cho câu hỏi: Ngân hàng nào sẽ thực hiện trích lập xong đầu tiên theo quy định của Thông tư 03?
Thông tư này có hiệu lực từ giữa quý 2, chưa có báo cáo tài chính quý để đối chiếu cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, đã có ngân hàng thương mại (NHTM) khẳng định mình sẽ là thành viên đầu tiên.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Vietcombank sẽ là NHTM đầu tiên thực hiện trích lập dự phòng rủi ro xong toàn bộ theo quy định của Thông tư 03.
Ông Thành không mở rộng thêm khẳng định này tại đại hội, song các dữ liệu của Vietcombank cho thấy điều đó không nhiều khó khăn.
Chốt năm 2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại tại Vietcombank chỉ 5.156 tỷ đồng. Trong khi đó, dư quỹ dự phòng rủi ro dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này tại cùng thời điểm lên tới 19.242,7 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng theo đó lên tới 368% - cao nhất hệ thống.
Thời gian qua có những thảo luận với những góc nhìn khác nhau về tỷ lệ bao phủ này tại Vietcombank, trong đó có góc nhìn như một phần “giấu lãi” quy mô lớn.
Tuy nhiên, có một điểm ít được đề cập. Trong một lần lý giải với BizLIVE cuối năm 2020, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank cho biết, có những khoản dư nợ đáng kể bị ảnh hưởng, Ngân hàng đã chủ động trình các cấp có thẩm quyền để thực hiện trích lập dự phòng luôn thay vì lẽ ra chưa phải thực hiện.
Ít nhất có hai doanh nghiệp lớn nằm trong việc trích lập này; trong đó có trường hợp có thể xem là một giao dịch “có tính đối ngoại” tại một quốc gia có lịch sử quan hệ gắn bó với Việt Nam…
Như vậy, Vietcombank là ứng viên đầu tiên. Song, trong hệ thống vẫn có một số NHTM khác nữa. Việc trích lập dự phòng theo Thông tư 03 theo đó tùy thuộc nhiều hơn vào khẩu vị rủi ro của họ.
Ví dụ như Techcombank. Đây cũng là thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức rất cao, trong khi dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cơ cấu lại không nhiều. Cập nhật gần nhất đến 31/3/2021, Techcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 219,4%; lượng nợ cơ cấu lại nói trên chỉ khoảng 6.700 tỷ đồng.
Dù là NHTM nào, tùy thuộc khẩu vị rủi ro của họ, điểm được quan tâm hơn là năng lực pha loãng yêu cầu trích lập dự phòng theo Thông tư 03, để hạn chế sức ép lên chi phí, lợi nhuận và nếu lớn có thể ảnh hưởng đến cả lãi suất cho vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận