Ngân hàng cho vay ngoại tệ giảm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây vừa khuyến cáo ngân hàng kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ trong những tháng cuối năm.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng ngoại tệ tính đến cuối tháng 8 chỉ chiếm 7% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, đạt khoảng 165.000 tỉ đồng, giảm gần 1% so với cuối năm 2019. Dù rằng lãi suất cho vay bằng USD được các ngân hàng áp dụng phổ biến từ mức 3,6 – 3,82%/năm đối với ngắn hạn và 4,63 – 6,25%/năm đối với trung, dài hạn nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ chậm.
Mức lãi suất cho vay của USD đang thấp hơn tiền đồng một nửa nhưng tín dụng vẫn có xu hướng giảm do quy định hạn chế đối tượng vay ngoại tệ. Thông tư 42/2018/TT-NHNN đã cắt giảm khá nhiều đối tượng vay ngoại tệ. Hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ được vay ngoại tệ ngắn hạn của ngân hàng để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cũng được vay ngoại tệ nhưng doanh nghiệp vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho ngân hàng.
Mặc dù xuất nhập khẩu tăng trưởng 4% trong 9 tháng đầu năm, đem về 202,4 tỉ USD nhưng nhu cầu vay vốn ngoại tệ của doanh nghiệp không lớn một phần do dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp lo ngại hoạt động xuất nhập khẩu gián đoạn. Tín dụng ngoại tệ giảm đã góp phần ổn định tỷ giá trong nhiều tháng qua, giá USD gần như đứng yên một chỗ nên các doanh nghiệp, cá nhân không còn tình trạng găm giữ ngoại tệ, thay vì vậy họ thực hiện bán lấy tiền đồng, gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn. Chính vì vậy mà doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ tăng hơn trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận