Ngân hàng bắt đầu “trám” lỗ hổng về vốn
Ngân hàng Nhà nước đang “đánh” vào những lỗ hổng nhạy cảm nhất của các ngân hàng thương mại, như vốn điều lệ, an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn… Việc siết lại an toàn hệ thống sẽ khiến nhiều ngân hàng tiếp tục gặp khó, nhưng đây là con đường không thể tránh.
Siết an toàn vốn là tất yếu
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 40% hiện nay xuống còn 30% vào ngày 1/10/2022, mỗi năm giảm 3 - 4%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Thông tư trên không chỉ giáng đòn mạnh đối với thị trường bất động sản, mà các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng không kém.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, để giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30% trong vòng gần 3 năm là rất áp lực.
Nếu không huy động đủ vốn trung, dài hạn để đảm bảo tỷ lệ trên, ngân hàng có nguy cơ phải giảm tín dụng trung, dài hạn, nhất là tín dụng bất động sản, dẫn đến sút giảm lợi nhuận.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, thực tế hiện nay, nhiều hợp đồng tín dụng được ngân hàng ký kết đã sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nên việc siết tỷ lệ này không thể phanh gấp.
Lộ trình điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp. Dù vậy, cũng theo TS. Tín, hiện trong hệ thống vẫn còn có một số ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trên 40%.
Vì vậy, các ngân hàng này buộc phải giảm cho vay ra hoặc tăng huy động vốn trung, dài hạn.
“Trong tình huống này sẽ có nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua huy động vốn và đẩy lãi suất trên thị trường lên, khiến diễn biến thị trường lãi suất đi theo chiều hướng xấu”, TS. Bùi Quang Tín cảnh báo.
Không chỉ siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, mà Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương áp dụng chuẩn Basel II.
Cụ thể, hiện mới có 14 ngân hàng đạt chuẩn Basel II (áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN). Thông tư 22/2019/TT-NHNN yêu cầu, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, toàn bộ các ngân hàng phải áp dụng thông tư này, tức là trong vòng 3 năm tới, các ngân hàng phải đạt hệ số an toàn vốn (CAR) là 8%.
“Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, áp dụng chuẩn Basel II, siết lại hệ số CAR… sẽ gây nhiều khó khăn, áp lực với các ngân hàng thương mại, song là rất cần thiết. Tôi ủng hộ cách làm của Ngân hàng Nhà nước vì đây là cách duy nhất để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Việc siết lại an toàn vốn có thể đẩy lãi suất lên, song chúng ta không còn con đường nào khác”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng chia sẻ.
Hạch toán đúng, nhiều ngân hàng có thể đang hụt vốn điều lệ
Theo Nghị định số 86/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, vốn pháp định với các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên là 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu “soi” vào Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2020, cách tính vốn pháp định ngân hàng khắt khe hơn nhiều.
Nhiều chuyên gia nhận định, cách tính vốn pháp định, vốn điều lệ của ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa thật chuẩn xác, nợ xấu chưa được hạch toán chuẩn, thu nhập từ lãi dự thu còn mập mờ. Nếu tính một cách khắt khe theo đúng chuẩn quốc tế, thì không ít ngân hàng không đủ vốn điều lệ.
“Với ngân hàng, điều quan trọng nhất là giá trị thực của vốn điều lệ. Vốn điều lệ rất dễ bị xói mòn bởi nợ xấu. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng thương mại hạch toán còn lỏng lẻo. Nếu hạch toán chính xác nợ xấu, lãi dự thu, thì nhiều ngân hàng có thể không đủ vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoặc có tỷ lệ an toàn vốn thấp dưới mức quy định”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN đã đưa ra các nguyên tắc cụ thể để xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp.
Theo đó, các ngân hàng chỉ được tính giá trị còn lại của vốn điều lệ, vốn được cấp sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, tính đầy đủ các khoản thu nhập và chi phí theo quy định để xác định kết quả kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng phải thường xuyên theo dõi, đánh giá lại giá trị thực của vốn điều lệ để báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Nếu vốn điều lệ bị thiếu hụt, ngân hàng phải ngay lập tức tự triển khai phương án bù đắp.
“Cách tính giá trị thực của vốn điều lệ chặt chẽ hơn là rất cần thiết, buộc các ngân hàng phải nghiêm túc hạch toán lại nợ xấu và lãi dự thu. Hiện nay, nhiều món nợ xấu không có khả năng thu hồi, nhưng nhiều ngân hàng nhiều lần tái cơ cấu nợ, vẫn tính vào lãi dự thu để làm tăng lợi nhuận, làm đẹp sổ sách, tạo ra bức tranh không chính xác về sức khỏe tài chính của ngân hàng”, TS. Hiếu nhận xét.
Đánh giá cao việc siết lại các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, song nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc đưa ra quy định, cơ quan thanh tra - giám sát của NHNN cũng phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc yêu cầu nhà băng tuân thủ, bởi có như vậy mới tránh được hiện tượng vốn ảo hay lách luật để đáp ứng các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Việc siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng, buộc ngân hàng cho vay trung, dài hạn phải có trách nhiệm hơn, cẩn trọng hơn. Về lâu dài, ngân hàng chỉ nên là kênh cấp vốn ngắn hạn cho thị trường, doanh nghiệp muốn tìm vốn trung, dài hạn thì phải huy động trên thị trường vốn.
- TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận