Ngân hàng Bản Việt có gì trước khi lên sàn?
Là một trong những ngân hàng có quy mô khiêm tốn, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa thông báo “rục rịch” lên sàn UPCoM. Gần 27 năm hoạt động, Viet Capital Bank tích trữ được gì trước khi chuẩn bị lên sàn?
Chật vật tăng vốn điều lệ
Thành lập từ năm 1992, tiền thân là Ngân hàng Gia Định, Viet Capital Bank duy trì hoạt động từ 1 trụ sở chính và 2 phòng giao dịch, với vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng đến năm 2005. Đến tháng 12/2008, Viet Capital Bank tăng vốn điều lệ lên được 1,000 tỷ đồng, thông qua phát hành 50 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và trích từ quỹ thặng dư vốn cổ phần.
Trong giai đoạn 2007-2008, Vietcombank cùng công ty quản lý quỹ của mình nắm đến 34.1% vốn của Ngân hàng Gia Định (trong đó Vietcombank nắm 15.1%, VCBF là 19%), hai cổ đông lớn còn lại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, 7.1%) và Nam Á Bank (5.2%).
Đến năm 2010, Ngân hàng Gia Định được chấp thuận tăng vốn lên 3,000 tỷ đồng, chia thành 2 đợt. Đợt 1 thông qua việc chia thưởng tỷ lệ 3.593% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu từ thặng dư vốn cổ phần và phát hành thêm hơn 96.4 triệu cp. Đợt 2 thông qua việc chào bán 100 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.
Sau đợt tăng vốn này, hai cổ đông là Vietcombank và Saigonbank đã thoái hết vốn cho các nhà đầu tư mới. Gia Định Bank lúc bấy giờ chỉ còn các cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (13.62%), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tín Phát (12.2%) và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (8.16%).
Ba cổ đông kể trên tính đến cuối năm 2011 sở hữu 33.98% vốn của Ngân hàng Gia Định.
Sự xuất hiện của chủ sở hữu mới đã làm các vị trí trong ban quản trị và điều hành cũng được thay thế. Cuối năm 2011, Ngân hàng Gia Định được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank). Cái tên Bản Việt trước đó từng được biết đến nhiều là CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - một trong những công ty chứng khoán có quy mô trên thị trường. Nhiều lãnh đạo từ VCSC cũng nhanh chóng kiêm nhiệm các chức vụ chủ chốt tại Viet Capital Bank.
Từ sau khi đổi tên, trong suốt 7 năm 2011-2018, vốn điều lệ của Viet Capital Bank được giữ nguyên ở mức 3,000 tỷ đồng, bằng mức vốn pháp định của một ngân hàng TMCP theo quy định.
Hồi tháng 10/2018, Viet Capital Bank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn từ mức 3,000 tỷ đồng lên 3,500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức chấp thuận này thấp hơn mức đề ra tại ĐHĐCĐ 2018 của Viet Capital Bank.
Theo công bố tại BCTC quý 2/2019 vừa mới đây, mức vốn điều lệ của Viet Capital Bank là 3,171 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Viet Capital Bank từ năm 1992 đến nay. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Theo bản cáo bạch từ phía Ngân hàng công bố, chốt đến ngày 30/09/2018, Saigon NIC là cổ đông lớn duy nhất của Viet Capital Bank nắm giữ gần 40.9 triệu cp, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 13.6%. Đây cũng là cổ đông lớn duy nhất (sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) của Viet Capital Bank.
Kết quả kinh doanh “bết bát”
Hồi giữa tháng 09/2019,Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Viet Capital Bank là BVB.
Động thái chuẩn bị lên sàn của Viet Capital Bank được cho là lựa chọn đúng thời điểm, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang lấy lại sức hấp dẫn nhờ chính sách giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn luôn quan tâm tình hình hoạt động kinh doanh của những gương mặt mới, liệu nhóm nhà băng này có đủ “sức khỏe” để thu hút được dòng tiền.
Ngược lại với hình dung của nhà đầu tư, lợi nhuận của Viet Capital Bank lại có xu hướng đi xuống trong những năm gần đây.
Vào năm 2011, sau khi đổi chủ thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Viet Capital Bank có bước nhảy vọt so với năm 2010. Lãi trước thuế năm 2011 nhảy vọt lên 360 tỷ đồng, tương đương gấp 4.8 lần so với năm 2010. Thế nhưng, sau đó lãi trước thuế của Ngân hàng này có xu hướng lao dốc, nhất là năm 2016, lãi trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 12 tỷ đồng - tạo đáy cho đường cong parapol lợi nhuận từ năm 2011.
Thởi điểm đó, Ban điều hành của Viet Capital Bank giải thích rằng, lợi nhuận sụt giảm là do Ngân hàng đang trong tiến trình củng cố tổ chức hoạt động, mở rộng mạng lưới cùng nhiều thách thức từ thị trường, cũng như quy định về phân loại nợ trích lập dự phòng của NHNN, đã có hiệu lực theo hướng siết chặt hơn. Đồng thời, 2016 cũng là năm tiếp theo Viet Capital Bank phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC. Đến cuối năm 2016, Viet Capital Bank đã thu hồi được 160 tỷ đồng nợ VAMC, dự phòng trái phiếu đảm bảo VAMC là 8 tỷ đồng và bán nợ xấu VAMC là 772 tỷ đồng.
Đến năm 2018, kết quả kinh doanh của Viet Capital Bank có xu hướng tích cực hơn khi lợi nhuận trước thuế đạt 117 tỷ đồng - mức cao nhất khi 3 năm liền lãi trước thuế đều dưới 100 tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này cũng làm nhiều nhà đầu tư hoang mang giữa bối cảnh các nhà băng khác ồ ạt công bố con số lãi khủng.
Lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank từ năm 2009 - 2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là hình ảnh phản chiếu nợ xấu, tuy nhiên thước đo này nhiều năm liền lại bị Viet Capital Bank “bỏ quên” trên Báo cáo tài chính.
Lợi nhuận thuần và chi phí DPRR của Viet Capital Bank từ năm 2009 đến nay. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Thuyết minh BCTC không hề được công bố
Có thể hình dung được phần nào nợ xấu của Viet Capital Bank thời gian qua, thông qua con số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ngày một tăng, mặc dù thuyết minh BCTC không hề được công bố.
Ở thời kỳ hoàng kim năm 2011, chi phí dự phòng chỉ ở mức 11 tỷ đồng, chiếm chỉ 3% lợi nhuận thuần. Thế nhưng đến năm 2016, cũng là thời kỳ đen tối trong hoạt động kinh doanh của Viet Capital Bank, chi phí dự phòng chiếm đến 85%, mặc dù lợi nhuận thuần chỉ có 82 tỷ đồng. Và đến năm 2018, mặc dù lợi nhuận thuần đã tăng trưởng khá rõ rệt đạt 224 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm 57% lợi nhuận thuần.
Trong báo cáo thường niên hàng năm, Viet Capital Bank vẫn cập nhật tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng, nhưng không hề có bản chi tiết thuyết minh BCTC. Tỷ lệ nợ xấu từ năm 2015 - 2018 đều thấp hơn 2% kể từ thời điểm 4.1% vào năm 2013. Thế nhưng con số này đã làm hài lòng nhà đầu tư khi không có số liệu cụ thể cho phần thuyết minh phân loại nợ xấu?
Tỷ lệ nợ xấu của Viet Capital Bank từ năm 2010 đến nay. Đvt: %
Nguồn: VietstockFinance
Tính đến 30/06/2019, lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank đạt 48 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đã giảm 61% dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn 46 tỷ đồng. Với kết quả đó, sau 6 tháng đầu năm 2019, Viet Capital Bank chỉ mới thực hiện được 24% so với kế hoạch 200 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2019.
Thuyết minh báo cáo tài chính bị bỏ quên nhiều năm đặt ra câu hỏi lớn về sự minh bạch thông tin của Viet Capital Bank cho nhà đầu tư. Giới đầu tư không thể nào hình dung được bức tranh nợ xấu cũng như tình hình hoạt động tín dụng của nhà băng này.
Một số chỉ tiêu tài chính của Viet Capital Bank trong những năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận