Ngân hàng bàn cổ tức - chuyện muôn thuở mùa Đại hội
Trước mỗi mùa ĐHĐCĐ thường niên, vấn đề mọi cổ đông quan tâm chính là cổ tức ngân hàng dự kiến chi trả bao nhiêu, bằng hình thức gì, dựa trên kết quả kinh doanh tốt hay xấu.
Cổ tức được chia bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu
Đã có vài ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 và kế hoạch chi trả cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh 2023 khiến phần đông nhà đầu tư cổ phiếu vua tạm hài lòng với tỷ lệ 25-30% bằng cả hình thức tiền mặt và cổ phiếu.
Ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội năm nay là Nam A Bank và kế hoạch chia cổ tức đã được ĐHĐCĐ thông qua là 25% bằng cổ phiếu. Ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 264.5 triệu cp để chi trả cổ tức tỷ lệ 25% cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước.
Nam A Bank cũng dự kiến phát hành 50 triệu cp theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá chào bán 10,000 đồng/cp. Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ tăng từ 10,580 tỷ đồng lên gần 13,726 tỷ đồng.
Năm 2023, VIB dự kiến chia cổ tức với tổng tỷ lệ 29.5%, gồm 17% bằng cổ phiếu và 12.5% bằng tiền mặt. Ngày 21/2/2024 vừa qua, VIB đã tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Như vậy, cổ đông VIB sẽ còn được hưởng 1 đợt cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 6.5%, số tiền dự chi là 1,648 tỷ đồng.
Hay như ĐHĐCĐ vừa được tổ chức ngày 4/4 vừa qua của ACB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
ACB dự kiến phát hành thêm hơn 582.6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được nhận thêm 15 cp). Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 38,840 tỷ đồng lên 44,666 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến 31/12/2023. Số tiền chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương 5,826 tỷ đồng.
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT ACB từng trải lòng: "Những năm qua, Ban điều hành cố gắng duy trì mức cổ tức 25% và sẽ cố gắng duy trì trong các năm tiếp theo. Năm 2024 tiếp tục có những diễn biến kinh tế khó lường, sức hấp thụ tín dụng và cầu kinh tế cũng còn hạn chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi trong quý 2. Do đó, mức cổ tức 25% cũng là một thách thức".
Dù chưa tổ chức Đại hội, một số ngân hàng đã công bố tài liệu với kế hoạch chi trả cổ tức khá cao.
HDBank dự trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. Đáng chú ý, Ngân hàng còn dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên đến 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.
Trong khi đó, OCB dự kiến phát hành gần 411 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.
MBB dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 20%. Trong đó, chia bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương 2,653 tỷ đồng và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, tương đương 7,959 tỷ đồng.
Techcombank dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, dựa trên số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức. Ngân hàng dự kiến dành hơn 5,283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt.
Ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. Với những nền tảng hiện có, Ngân hàng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.
Song song đó, Techcombank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 35,225 tỷ đồng lên 70,450 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cp được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cp mới). Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trong năm 2024 hoặc đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, đây là sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn và phát triển kinh doanh.
Kế hoạch chia cổ tức năm 2023 của các ngân hàng
Nhiều ngân hàng giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức
Là một trong những ngân hàng đã tổ chức ĐHĐCĐ 2024, ABBank không có kế hoạch chia cổ tức. Lợi nhuận sau thuế 2023 của ABBank hơn 398 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2023 gần 299 tỷ đồng. Cộng gộp lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, ABBank có gần 1,841 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. ĐHĐCĐ đã thông qua việc giữ lại toàn bộ số này nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
TPBank cũng cho biết, sau khi trích các quỹ và nộp ngân sách, Ngân hàng còn gần 3,697 tỷ đồng lợi nhuận còn lại chưa phân phối. Ngân hàng cũng không đề cập cụ thể phương án chia cổ tức hay tăng vốn điều lệ trong năm 2024.
Mới đây, Sacombank công bố kế hoạch kinh doanh 2024 và không đề cập đến việc chia cổ tức. Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2023, Chủ tịch Dương Công Minh từng trả lời cổ đông, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, nên chưa đáp ứng được các điều kiện để chia cổ tức. Cụ thể là việc xử lý cổ phiếu STB thuộc sở hữu ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ chưa thực hiện được. Ngân hàng khẳng định, sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được Ngân hàng Nhà nước cho phép, sẽ triển khai chia cổ tức cho cổ đông.
Trong tài liệu Đại hội 2024 vừa công bố, Sacombank cho biết có 7,469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5,716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. Cộng với gần 12,671 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại năm trước, Sacombank có 18,387 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Như vậy, việc chia cổ tức tiếp tục không được đề cập và Sacombank sẽ có năm thứ 9 liên tiếp không chia cổ tức, kể từ lần chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vào năm 2015.
Vốn dĩ đa phần cổ đông đều chuộng chia cổ tức bằng tiền mặt. Thế nhưng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng, với tình hình giá cổ phiếu ngân hàng đang khá cao, ở góc độ cổ đông sẽ thích được trả cổ tức bằng cổ phiếu hơn tiền mặt như trước đây. Các ngân hàng cũng sẽ cân nhắc vấn đề này, vì nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn vẫn quay lại để tái đầu tư kinh doanh cho ngân hàng. Thế nhưng, khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thì số lượng cổ đông sẽ tăng lên, có thể làm pha loãng cổ phiếu ngân hàng, gia tăng số lượng cổ đông.
Vấn đề chi trả cổ tức thế nào còn liên quan đến nội bộ của ngân hàng. Một số ngân hàng dù lợi nhuận tăng trưởng không nhiều nhưng áp lực từ cổ đông lớn vẫn cố gắng duy trì mức cổ tức như những năm bình thường. Hoặc một số ngân hàng sau thời gian quá dài không chia cổ tức mà lợi nhuận giữ lại đang khá cao nên quyết định chia cổ tức thời điểm này. Tùy vào đặc điểm của từng ngân hàng, có "của để dành" hay không, và có nên dùng để chia cổ tức ở thời điểm hiện tại hay không.
Dù chia cổ tức bằng hình thức gì, với tỷ lệ các ngân hàng đã công bố vừa qua, tạm làm thỏa mãn các cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận