Nga đa cực về tài chính - tiền tệ, Mỹ đổi luật chơi?
Nước Nga dưới "triều đại Putin" luôn khiến Mỹ đau đầu, bởi những đổi thay từ nước Nga luôn là khởi nguồn cho những xu thế định hình lại thế giới...
Nga kêu gọi thế giới đa cực trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ
TASS ngày 21/7 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đẩy nhanh quá trình, tiến tới độc lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát và cơ chế tài chính xoay quanh đồng đô la Mỹ.
"Chúng ta phải bảo vệ chính chúng ta khỏi sự lạm dụng chính trị được thực hiện với sự giúp đỡ của đồng đô la Mỹ và hệ thống ngân hàng Mỹ. Chúng ta phải biến sự phụ thuộc của chúng ta trong lĩnh vực này thành sự độc lập".
Theo ông Ryabkov, Mỹ và đồng minh nghĩ rằng họ đang tạo ra một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, nhưng "chúng tôi cho rằng đó không phải là một trật tự thế giới dựa trên quy tắc, nó đúng hơn là một trật tự thế giới bị áp bức và áp đặt".
Chính vì vậy, nhà ngoại giao cấp cao Nga đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy chống lại cái trật tự thế giới do Mỹ và các đồng minh tạo ra, mà để làm được điều đó thì "chúng ta hãy tạo ra thế giới đa cực trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ".
Lời kêu gọi của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov liệu có thực tế hay chỉ là ước vọng của Moscow trong bối cảnh thiệt hại của nước Nga sau "cú sốc tài chính" năm 2014 - với việc đồng ruble mất gần 50% giá trị - vẫn chưa khắc phục được?
Giới phân tích cho rằng, lời kêu gọi của ông Ryabkov được đưa ra là phù hợp với thực tế và nó không chỉ là xuất phát từ tình hình của nước Nga thời cấm vận, mà nó đang trở thành xu thế vận hành của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế.
Bởi khi đồng USD được xác lập vị thế, quy mô nền sản xuất hàng hoá của Mỹ chiếm tới 50% của thế giới. Hiện nay tỷ lệ quy mô nền sản xuất hàng hoá Mỹ / quy mô nền sản xuất thế giới đã thu hẹp rất nhiều, nhưng vị thế đồng USD gần như không đổi.
Nghịch lý này khiến cho đồng USD không còn đảm bảo đủ chức năng của tiền tệ - đặc biệt với chức năng thứ nhất: thước đo giá trị. Hiện nay, giá trị của đồng USD chủ yếu được xác lập bằng niềm tin của giới đầu tư và đây thực chất là giá trị ảo.
Bên cạnh đó, giá trị của đồng tiền còn được xác lập bằng sức mua, song với USD thì không thể xác định đại lượng này. Bởi giá trị được xác lập bằng niềm tin luôn có tính tương đối, trong khi sức mua đồng tiền gắn liền với nền tảng giá trị có trị tuyệt đối.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, đồng đô la Mỹ chỉ thực hiện được tốt duy nhất chức năng tiền tệ quốc tế, trong khi giá trị lại mang tính tương đối. Điều này khiến hệ thống tiền tệ quốc tế lấy USD làm nền tảng luôn bất ổn, do vậy cần phải cải tổ.
Cơ chế tài chính Mỹ được xác lập xoay quanh đồng USD từng được xem là cơ chế hoàn hảo khi đồng USD được xác lập giá trị bởi hàng hoá Mỹ, song nay đồng USD được xác lập bởi niềm tin thì cơ chế tài chính Mỹ không còn là hoàn hảo nữa.
Sở dĩ sức mạnh của đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ, thậm chí manh tính quyết định với hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế là do tập quán được xác lập, trở thành cơ sở cho niềm tin của giới đầu tư quốc tế.
Mà niềm tin của giới đầu tư luôn nhạy cảm khiến cho chính phủ các quốc gia không muốn tạo ra một cuộc cách mạng về tài chính và tiền tệ, nên luôn xây dựng hệ thống tài chính quốc gia dựa trên nền tảng USD và cơ chế tài chính Mỹ.
Khi nước Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận, Tổng thống Putin và chính phủ Nga đã chọn ứng phó với cấm vận thay vì đối phó cấm vận, từ đó có những giải pháp hiệu chỉnh lại nền tài chính của nhà nước Nga.
Trong quá trình hiệu chỉnh, chính quyền Tổng thống Putin đã nhận ra sự khiếm khuyết của cơ chế tài chính Mỹ khi đồng USD ngày càng "thoát ly" nền tảng giá trị của nó, vì vậy đã tiến hành thực nghiệm với chính sách tài chính thận trọng.
Kết quả là sức mua của đồng ruble được nâng lên, lợi suất của đồng ruble được gia tăng, giúp cho các doanh nghiệp Nga có tỷ suất doanh lợi vượt trội so với các đối tác Mỹ-phương Tây, từ đó khẳng định niềm tin với giới đầu tư quốc tế.
Nước Nga ở thời cấm vận đã là nơi kiểm định giá trị đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ, và kết quả cho thấy hệ thống tài chính-tiền tệ một quốc gia khi độc lập với USD và cơ chế tài chính Mỹ có hiệu ứng tích cực hơn. Vì vậy có thể phổ quát ra thế giới.
Nga buộc Mỹ phải thay đổi luật chơi?
Theo giới phân tích, Washington thừa hiểu là khi tỷ lệ quy mô nền sản xuất hàng hoá Mỹ/ quy mô nền sản xuất hàng hoá thế giới giảm đi thì vị thế của USD và cơ chế tài chính Mỹ sẽ mất tính độc tôn như khi được xác lập bởi Hệ thống Bretton Woods.
Và người Mỹ đã khắc phục điều đó bằng thúc đẩy việc cho ra đời các định chế tài chính - rồi thương mại - mang tính quốc tế, mà được vận hành theo những nguyên tắc luôn đảm bảo vai trò chủ xị của nước Mỹ, như WB, IMF hay WTO...
Vì vậy, các tổ chức tài chính-thương mại quốc tế chỉ là bức bình phong, còn thực chất là công cụ giúp làm gia tăng lợi ích Mỹ, dù nó được vận hành theo cơ chế đa phương, mà Mỹ chỉ là một thành viên hay một cổ đông.
Điều đó thể hiện rõ nhất ở 2 điểm. Một là, tài trợ của tổ chức tài chính quốc tế luôn có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia mà hầu hết trong đó có "yếu tố Mỹ", cho nên thực ra dòng "lợi ích quốc tế" chỉ chảy vòng vèo nhưng cuối cùng vẫn chảy về Mỹ.
Nhưng thực tế cho thấy các định chế tài chính-thương mại quốc tế chỉ là công cụ để đảm bảo sự thống trị về kinh tế và chính trị của Mỹ. Bởi các quốc gia bị gây áp lực phải chấp nhận nhiều quy tắc, nhưng Mỹ lại không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào.
Như vậy, thực chất các tổ chức quốc tế chi là công cụ giúp huy động nguồn lực của các quốc gia khác để sử dụng nhằm mang lại lợi ích cho Mỹ. Trong nhiều trường hợp còn được sử dụng trừng phạt các thực thể đối nghịch Mỹ, bằng yêu cầu "cải cách".
Chính quyền Nga dười thời Tổng thống Putin nhận thấy bản chất của vấn đề "Mỹ hoá quốc tế", nên đã tránh xa những đồng tiền của các tổ chức tài chính quốc tế, ngay cả khi nền kinh tế cần những dòng vốn từ nước ngoài đổ vào để thúc đẩy tăng trưởng.
Còn nhớ ngày 12/6/018, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã khuyên Nga nên vay tiền nhiều hơn, nhưng đại diện Ngân hàng Trung ương Nga đã từ chối.
Nga hạn chế tiếp cận nguồn vốn của các định chế tài chính quốc tế nhưng vẫn có đủ nguồn lực phát triển, cơ chế tài chính Nga ngày càng độc lập với USD và cơ chế tài chính Mỹ, nhưng nền tài chính Nga vẫn ổn định, sức mua và lợi suất đồng ruble tăng.
Trong khi nước Nga đang bị Mỹ và phương Tây siết cấm vận. Điều đó cho thấy các nước khác - không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như Nga thời cấm vận - hoàn toàn có thể độc lập với USD và cơ chế tài chính Mỹ, mà vẫn đảm bảo ổn định và phát triển.
Đây là cảnh báo nghiêm trọng với Washington. Và khi Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov kêu gọi thế giới đa cực về tài chính và tiền tệ thì có lẽ đã đến lúc Mỹ phải nghiêm túc xem xét việc thay đổi luật chơi, nếu không muốn cuộc chơi kết thúc.
Rõ ràng, nước Nga dưới "triều đại Putin" là một thực thể chính trị luôn khiến Mỹ và các đồng minh phải lo ngại, bởi những đổi thay từ nước Nga luôn là khởi nguồn cho những xu thế định hình lại thế giới nhưng không còn theo ý muốn của Washington.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận