Nga công bố sẽ sớm thử nghiệm vắc xin Covid-19 với 40.000 người
Chuyên gia cao cấp tại WHO châu Âu, bà Catherine Smallwood, đồng thời xác nhận thông tin WHO mới đây đã có các cuộc đối thoại với Nga về việc phát triển vắc xin Sputnik V.
Nga tuyên bố rằng vắc xin ngừa Covid-19 của nước này, loại vắc xin Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới, sẽ sớm được thử nghiệm với 40.000 người nhằm thử nghiệm độ tin cậy, theo tin từ CNBC.
Vắc xin được đặt tên “Sputnik V”, vắc xin này đã được giới chức Nga khẳng định về mức độ an toàn và hiệu quả sau khi được chấp thuận tại nội địa trong tháng này. Sản xuất vắc xin trên quy mô lớn dự kiến sẽ được bắt đầu từ tháng 9/2020.
Không ít chuyên gia y tế và quan chức y tế công cộng tuy nhiên đã thể hiện tâm lý lo lắng về vắc xin của Nga bởi xét đến tốc độ được phê duyệt quá nhanh cũng như việc không nhiều số liệu được công bố. Kết quả của 2 tháng thử nghiệm trên người tại Nga cho đến nay chưa được công bố đến công chúng.
Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya, ông Denis Logunov, chia sẻ: “Theo điều kiện đăng ký, chúng tôi sẽ bắt buộc phải thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn. Hiện tại, chúng tôi đã đồng thuận sẽ thực hiện với khoảng 40.000 người. Mục tiêu của đợt thử nghiệm này là để nghiên cứu về khả năng miễn dịch và an toàn của vắc xin, điều đó không còn cần phải bàn cãi gì nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đánh giá tính hiệu quả của vắc xin”.
Cho đến nay, trên thế giới đã có hơn 22,4 triệu người trên thế giới lây nhiễm Covid-19, 788.356 người tử vong vì Covid-19, theo số liệu của đại học John Hopkins.
Những lo lắng về độ an toàn và độ tin cậy của vắc xin Sputnik V có nguyên nhân từ việc vắc xin đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với số người tình nguyện khá nhỏ. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ sớm bắt đầu, tuy nhiên phía Nga đã khẳng định rằng sẽ sản xuất vắc xin ngày từ tháng sau.
Khi được hỏi quan điểm về vắc xin của Nga trong một buổi họp báo mới đây, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge nói: “Nhìn chung, bất kỳ bước tiến nào trong việc phát triển vắc xin đều đáng để chào đón”.
Ông nói thêm rằng Nga đã có lịch sử dài phát triển vắc xin, tuy nhiên mỗi loại vắc xin cần phải trải qua quá trình với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về tính hiệu quả và độ an toàn, và nhìn chung sẽ chỉ có một cách làm điều đó là thông qua các biện pháp thử nghiệm lâm sàng bao gồm 3 giai đoạn.
Chuyên gia cao cấp tại WHO châu Âu, bà Catherine Smallwood, đồng thời xác nhận thông tin WHO mới đây đã có các cuộc đối thoại với Nga về việc phát triển vắc xin Sputnik V.
Khắp thế giới hiện đang có một cuộc chạy đua ráo riết phát triển vắc xin Covid-19.
Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison, cho biết Australia đã ký kết thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca nhằm đảm bảo nguồn cung vắc xin, và rằng vắc xin sẽ được cung cấp miễn phí cho toàn bộ người dân nếu thành công, theo tin từ báo The Independent.
AstraZeneca là một công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh. Công ty này đang liên kết với phòng nghiên cứu thuộc đại học Oxford để phát triển vắc xin.
Phòng nghiên cứu của đại học Oxford hiện đang được coi như dẫn đầu cuộc chạy đua của thế giới trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin chống Covid-19.
Khi mà một số nước đang cố gắng đảm bảo nguồn cung vắc xin cho người dân của họ khiến nhiều người lo sợ về khả năng sẽ thiếu vắc xin trên toàn cầu, Australia đã ký thỏa thuận với AstraZeneca nhằm sản xuất và phân phối đủ vắc xin từ phòng nghiên cứu đại học Oxford cho người dân nước này.
Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Australia nói: “Theo thỏa thuận này, chúng ta đã có đủ vắc xin cho mỗi người Australia. Nếu vắc xin này thành công, chúng ta sẽ sản xuất và cung cấp vắc xin trực tiếp trong hệ thống của chúng ta, 25 triệu người Australia sẽ được dùng miễn phí”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận