menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Nga có thể cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn vào thứ Sáu tuần này, đưa lãi suất chính sách xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Thống đốc ngân hàng Elvira Nabiullina cho biết hồi tuần trước rằng, lạm phát thấp hơn trong năm tháng đầu năm nay đã giúp CBR có không gian chính sách để cắt giảm thêm lãi suất, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trở lại sau khi phải gánh chịu nhiều thiệt hại do Covid-19.

Các nhà kinh tế không thống nhất được về mức giảm của lãi suất lần này. Một số dự đoán mức điều chỉnh sẽ là 50 điểm cơ bản, giống như lần giảm trước đó vào tháng Tư, đưa lãi suất xuống 5% - tương đương với mức thấp của giai đoạn hậu Liên Xô đạt được vào tháng 6/2010.

Những người khác kỳ vọng mức cắt giảm sẽ lên đến 100 điểm cơ bản.

Sau khi nền kinh tế dường như đã chạm đáy vào tháng 4 và bắt đầu hồi phục vào tháng 5 và tháng 6, áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn từ trong nước có thể quay trở lại, theo Matthias Karabaczek, nhà phân tích về châu Âu tại Economist Intelligence Unit.

"CBR sẽ kiềm chế việc đẩy lãi suất chính sách vào vùng tiêu cực, vì vậy việc cắt giảm lãi suất tối đa từ nay đến cuối năm tổng cộng sẽ chỉ tới 150 điểm cơ bản, với mức lãi suất xuống khoảng 4%", Karabaczek nói qua email hôm thứ Hai.

"Diễn biến lạm phát trong quý III cũng sẽ rất quan trọng vì hầu hết các hạn chế đối với hoạt động kinh tế sẽ được dỡ bỏ và chúng tôi vẫn hy vọng lạm phát sẽ vượt qua mục tiêu 4% của CBR trong năm nay", ông nói.

Cắt giảm lãi suất tác động không nhiều

Mặc dù việc cắt giảm lãi suất gần như được thị trường thống nhất nhận định, nhưng vẫn có sự hoài nghi về tác động của chi phí tài chính thấp hơn đối với nền kinh tế Nga, vốn đang trong tình trạng "èo uột" về nhu cầu tín dụng và đầu tư từ các doanh nghiệp do các vấn đề cơ cấu.

Vladimir Tikhomirov, nhà kinh tế trưởng tại BCS Financial Group, cho rằng việc thiếu nhu cầu vay vốn đầu tư mới có nghĩa là nền kinh tế Nga đã chậm lại ngay cả trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong các lĩnh vực định hướng xuất khẩu có đóng góp đáng kể vào GDP của Nga.

"Một biểu hiện rõ nét của xu hướng này là rất nhiều công ty Nga đã tăng đáng kể các khoản thanh toán cổ tức cho cổ đông, thay vì chọn giữ tiền mở rộng hoạt động", Tikhomirov nói trong một cuộc điện đàm từ Moscow vào tuần trước.

"Đây là một vấn đề lớn và nó sẽ không biến mất. Và đây cũng không phải là vấn đề duy nhất của Nga, vì chúng ta đã thấy rất nhiều ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất mạnh mẽ với hy vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và đầu tư cao hơn, tạo việc làm và cuối cùng là tăng trưởng. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa thấy nhiều bằng chứng rằng đầu tư và nhu cầu tín dụng đang tăng, đặc biệt là phía các công ty", ông nói.

Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và khu vực đồng euro đã phải chịu đựng sự đình trệ kinh tế lâu nay, mặc dù lãi suất được đẩy xuống mức rất thấp hoặc dưới 0 trong một nỗ lực để khuyến khích vay vốn.

Tikhomirov đề xuất tăng chi tiêu của chính phủ cho lương hưu, trợ cấp, hoặc tăng đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nhu cầu - một cách thức vốn phát huy hiệu quả hơn để vực dậy nền kinh tế sau hậu quả của cuộc khủng hoảng.

Khu vực tư nhân cần được quan tâm

Thị trường cổ phiếu hết thời, lực lượng lao động giảm, sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, các điểm yếu về thể chế và tăng trưởng hiệu suất kém sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động kinh tế, Karabaczek nói thêm.

Tuy nhiên, một phần do tiền lương thực tế giảm và hoạt động kinh tế nói chung chậm lại, ông nhấn mạnh rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp là các chủ thể tâm điểm của chính sách thúc đẩy trong những năm gần đây.

"Ngược lại, vị trí quan trọng hơn của khu vực tư nhân trong nền kinh tế cũng đòi hỏi lãi suất thấp hơn trong bối cảnh vẫn tồn tại những lo ngại về tính bền vững của tăng trưởng", ông nói.

Vào cuối năm 2014, CBR đã chuyển trọng tâm chính sách từ kiểm soát tỷ giá hối đoái sang mục tiêu lạm phát, tại thời điểm đó, lãi suất của ngân hàng trung ương đã bắt đầu đóng vao trò quan trọng.

"CBR có quyền kiểm soát nhiều hơn về cung tiền và lãi suất, nhưng vẫn can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm sốc trước những biến động tỷ giá hối đoái", Karabaczek nói.

Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ lớn khoản vay áp dụng lãi suất cố định trong nền kinh tế Nga: hơn hai phần ba ngân hàng Nga cho vay dư nợ lãi suất cố định, điều này hạn chế cơ chế truyền tải lãi suất của CBR.

Karabaczek đề xuất cần có các biện pháp tài chính khác để có thể hỗ trợ nền kinh tế lớn hơn là giảm lãi suất trong năm nay. Chúng bao gồm giãn nợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay với lãi suất 0% với các ngành công nghiệp khó khăn nhất và cho vay lãi suất thấp hơn cho các công ty chủ chốt khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả