Nga cảnh báo 'kịch bản thảm họa': Cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới Đức
Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov cảnh báo Nga có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Đức nếu các vấn đề liên quan tới việc bảo trì tuabin bơm khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) không được giải quyết.
“Kịch bản sẽ trở thành thảm hoạ đối với Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc”, ông Chizhov trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) hôm 16/6.
Trước đó vào hôm 15/6, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom đã tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc lên đến mức 60%, cao hơn mức 40% mà Gazprom đưa ra một ngày trước đó. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Gazprom đang sử dụng một số tuabin khí do Siemens sản xuất trên đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của họ ở Đức, và hai trong số đó cần được bảo dưỡng trong năm nay. Những thiết bị này, được sử dụng để bơm khí vào đường ống, thường được bảo dưỡng từ ba đến bốn năm một lần và việc bảo dưỡng được thực hiện ở Canada.
Tuy nhiên, một tuabin hiện không thể quay trở lại Đức sau khi được bảo dưỡng ở Canada do lệnh trừng phạt, tuabin thứ hai cũng cần được bảo dưỡng nhưng không thể gửi ra nước ngoài để thực hiện việc này.
Sau đó, tập đoàn liên quan đến vấn đề này của Đức là Siemens xác nhận rằng họ không thể trả lại tuabin cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc. Tập đoàn cam đoan rằng họ đang tìm giải pháp có thể chấp nhận được để khắc phục tình huống phát sinh trong bối cảnh một loạt các lệnh trừng phạt đang áp lên Nga.
Trong phản ứng đưa ra mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng động thái của Gazprom là "một quyết định chính trị chứ không chính đáng về mặt kỹ thuật". Ông Habeck cáo buộc Nga đang tìm cách gây bất ổn thị trường, đẩy giá năng lượng leo thang.
Theo ông, việc bảo dưỡng đường ống có vai trò quan trọng, nhưng triển khai trong thời gian này là không hợp lý. Những bước đầu tiên nên được triển khai vào mùa Thu và không nên để bảo dưỡng kéo theo việc giảm quy mô vận chuyển khí đốt.
Động thái của Gazprom diễn ra sau 2 tuần các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga vào cuối năm nay nhằm trừng phạt việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận