Nga cảnh báo kế hoạch B nếu phương Tây phớt lờ các “lằn ranh đỏ”
Nga có thể triển khai các bước đi mới để đảm bảo an ninh của mình nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục có hành động khiêu khích.
Đây là cảnh báo đưa ra hôm qua (18/12) của Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên không ngừng leo thang liên quan vấn đề Ukraine. Nga muốn nhận được những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng sang phía Đông, cũng như cam kết không triển khai các loại vũ khí hiện có tới các quốc gia gần biên giới với Nga, trong đó có Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, việc NATO triển khai quân đội gần Nga ở khu vực Baltic và Biển Đen đã thách thức lợi ích an ninh cốt lõi của Nga, đồng thời nói thêm rằng “không ai nên đánh giá thấp quyết tâm của Moscow trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”.
“Điều quan trọng là phải có cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề an ninh. Thực tế là việc NATO tăng trường triển khai cơ sở hạ tầng đang diễn ra và điều này phải chấm dứt. NATO phải rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997”.
Phát biểu đưa ra một ngày sau khi Nga gửi tới các nước phương Tây dự thảo hiệp ước 8 điểm nhằm giảm căng thẳng ở châu Âu và xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine. Đáng chú ý trong đó có yêu cầu NATO từ chối tư cách thành viên của Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ trước đây, cũng như không tiến hành các hoạt động quân sự ở Trung và Đông Âu. Những yêu cầu mà theo giới phân tích là khó có thể được Mỹ và các đồng minh chấp thuận.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây không ngừng leo thang trong những tuần gần đây. Phương Tây không ngừng cáo buộc Nga tăng cường hiện diện quân sự áp sát biên giới Ukraine, bất chấp việc Nga khẳng định việc di chuyển quân đội quanh lãnh thổ của mình thuần túy vì mục đích phòng thủ và muốn có sự đảm bảo pháp lý nhằm loại trừ việc NATO mở rộng và triển khai vũ khí tới khu vực.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây nhấn mạnh, bất kỳ cuộc đàm phán an ninh nào với Nga cũng đều phải tính đến những mối quan tâm của NATO, của Ukraine và các đối tác khác. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết đang thảo luận về đề xuất với các đồng minh và đối tác, nhưng lưu ý rằng tất cả các quốc gia đều có quyền xác định tương lai của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đối thoại với Nga về các vấn đề an ninh châu Âu trong 20 năm qua. Dù có lúc đạt tiến bộ, có lúc rơi vào bế tắc, song về cơ bản chúng tôi đã chuẩn bị cho đối thoại. Nga đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với các hoạt động của Mỹ và NATO. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra quan ngại của mình đối với những hành động đang gây tổn hại đến lợi ích và các giá trị của chúng tôi. Đây là cơ sở có đi có lại mà bất kỳ hình thức đối thoại nào cũng phải hướng tới”.
Quan hệ Nga - NATO đã rơi xuống mức thấp khi Nga chấm dứt hoàn toàn hợp tác cả về dân sự và quân sự với NATO. Dư luận lo ngại bất kỳ diễn biến nào xấu hơn nữa trong quan hệ hai bên đều có thể gây ra những tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định của khu vực và thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận