Nếu Joe Biden đắc cử Tổng thống, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ ra sao?
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến gần, dư luận đặt câu hỏi nếu đắc cử liệu ông Biden có tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc như ông Trump đang thực hiện.
Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ giữa ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump đang cận kề. Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là liệu tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ có thái độ thế nào trong việc thực thi chính sách đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện được coi là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Washington. Quan điểm của ông Trump thì đã rõ - cứng rắn, quyết liệt trong đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên dư luận đang băn khoăn liệu ông Biden có tiếp tục thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc giống như ông Trump đang thực hiện hay không, hay sẽ áp dụng chiến lược ít đối đầu với Bắc Kinh như cựu Tổng thống Barack Obama từng làm.
Khác biệt về tính cách
Nhìn bên ngoài, ông Biden không phải là người có thiên hướng thích phô trương, thể hiện tính cách nhiệt tình ngay từ ban đầu trong quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hơn nữa, ông Biden cũng không hay viết các dòng tweet thể hiện quan điểm mạnh mẽ hay những lời đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
Thay vì thái độ thích gây chiến hay thực hiện các hành động đơn phương như Tổng thống Donald Trump đã làm, ông Biden dường như muốn lựa chọn giải pháp theo hướng mềm dịu hơn, tăng cường hợp tác với các quốc gia khác.
Evan Medeiros, giáo sư về quan hệ Trung Quốc tại Đại học Georgetown và là quan chức Hội đồng An ninh quốc gia trong chính quyền Obama, cho biết: “Ông Biden trong tương lai có thể sẽ giữ vững lập trường cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề an ninh, mặc dù có thể sẽ không áp dụng y nguyên các chính sách như chính quyền Trump”.
Quan điểm, chính sách của ông Biden về vấn đề thương mại, quyền tự do đi lại…, có thể sẽ bị hạn chế hơn bởi tư tưởng, cách tiếp cận của nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ - vốn hoài nghi về tự do thương mại, xu hướng ủng hộ ông Trump về chủ nghĩa bảo hộ hơn nhiều người ôn hòa trong đảng.
Những áp lực đó có thể đè nặng lên nỗ lực của ông Biden nhằm hồi sinh thỏa thuận thương mại về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thời Obama, vốn đã được Mỹ thống nhất với khoảng một chục quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump đã bất ngờ tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này trong những ngày đầu tiên lên nắm quyền.
Thỏa thuận TPP được coi là trung tâm của chiến lược “xoay trục sang châu Á” của ông Obama, nỗ lực địa chính trị nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và thúc đẩy Bắc Kinh chơi theo các quy tắc của Washington.
Thỏa thuận TPP nay có tên gọi là CPTPP, được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên của TPP trước đây (không bao gồm Mỹ). Ông Biden từng cho biết, ông sẽ không tham gia lại hiệp định ở hình thức hiện tại, mà sẽ tìm cách thương lượng lại.
'Bình mới, rượu cũ'
Thời gian qua, ông Biden nhiều lần lên án cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà ông Trump đang thực thi, chỉ trích việc áp thuế của chính quyền Trump và phản thuế của Bắc Kinh đã làm tổn thương nông dân và nhà sản xuất Mỹ, trong khi không thay đổi hành vi của Trung Quốc đối với các chính sách công nghiệp cơ bản như trợ cấp của chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ không dễ dàng hủy bỏ chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay. Nhờ chính sách áp thuế mạnh tay của ông Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Biden có thể tận dụng điều này để tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh.
Dean Cheng, một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về Trung Quốc, tư vấn cho Tổng thống Trump về chính sách đối ngoại, cho biết: “Tôi nghĩ rằng, ông Biden sẽ không thể hiện quan điểm chống Trung Quốc một cách công khai, song về bản chất có thể không có thay đổi”.
Nhìn lại chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc năm 1972, các nhà lãnh đạo Mỹ ở cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tìm cách lôi kéo Bắc Kinh gần Wasington, hướng đến giá trị dân chủ bằng cách khuyến khích thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ngày nay, hầu hết các nhà phân tích đều coi cách tiếp cận đó là “ngây thơ”. Trung Quốc đã trở thành một siêu cường kinh tế toàn cầu và là đối thủ quân sự của Mỹ ở châu Á. Thay vì chấp nhận những cải cách của phương Tây, ông Tập Cận Bình tỏ ra tích cực hơn trong nền kinh tế toàn cầu và áp dụng chính sách cứng rắn hơn ở trong nước, nhất là đối với những người bất đồng chính kiến, người dân tộc thiểu số và vấn đề Hong Kong...
Các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày càng cho thấy sự đồng thuận, có được tiếng nói chung khi lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc, trong đó có vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ trên quy mô rộng cho đến các hành động quân sự gây hấn ở Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, sẽ rất khó để ông Biden có thể thực thi chiến lược với Trung Quốc mà ông từng áp dụng khi còn làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Daniel Russel, quan chức hàng đầu về các vấn đề châu Á dưới thời chính quyền ông Obama và hiện là Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách xã hội châu Á, cho biết: “Trung Quốc sẽ đối đầu với Joe Biden vào tháng 1/2021, và đó sẽ là đối thủ mạnh hơn và đáng gờm hơn rất nhiều so với Phó Tổng thống Biden dưới thời ông Obama trước đây”.
Theo chuyên gia James Mann, cần lưu ý rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden sẽ tiếp tục kế thừa quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong các cơ quan tình báo Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Thương mại và Lầu Năm Góc. Đây là những cơ quan có truyền thống ủng hộ chính sách can dự, quyết liệt trong áp dụng đường lối chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Trong các cuộc phỏng vấn, các cố vấn chính sách đối ngoại hiện tại và trước đây của ông Biden cho biết, qua quan sát có thể thấy ông Trump và chính quyền Mỹ đang gia tăng các luận điệu và hành động chống Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã đe dọa cấm các nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Bắc Kinh là TikTok và WeChat, áp đặt các hạn chế đối với sinh viên nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc gay gắt về năng lực kiểm soát dịch bệnh và tính minh bạch thông tin khi để dịch COVID-19 bùng phát, cũng như đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Khéo léo và linh hoạt
Một số ý kiến cho rằng, nếu trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tới đây, ông Biden có thể cố gắng đưa quan hệ Mỹ - Trung theo hướng tích cực hơn. Có nghĩa là ông có thể quay trở lại đường lối ngoại giao thông thường hơn, mở ra cánh cửa hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
Với tư cách là cựu thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Biden nhiều lần nhấn mạnh mong muốn khôi phục các liên minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Đồng thời, ông Biden cũng muốn nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế với tư cách là nhà lãnh đạo trong đấu tranh cho dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông Biden cho rằng, đó là con đường tốt nhất để đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo giới phân tích, bằng cách này, ông Biden có thể điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc một cách linh hoạt, mềm dẻo hơn. Theo đó, ông vừa thực hiện chính sách tiếp cận cứng rắn đối với một số vấn đề của Trung Quốc trong khi mở các kênh liên lạc, đối thoại với Bắc Kinh về các vấn đề vốn đã đóng lại dưới thời ông Trump.
Vẫn còn phải xem liệu chính sách ngoại giao và áp lực quốc tế có tác dụng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hay không. Bắc Kinh đã bác phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông, đồng thời Trung Quốc tiếp tục áp đặt luật an ninh sâu rộng đối với Hong Kong bất chấp cảnh báo từ Washington và các nước khác.
Chính vì những thách thức của Trung Quốc như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thái độ của người Mỹ trở nên tiêu cực hơn đối với Bắc Kinh và điều đó cũng có thể sẽ tác động đến cách lựa chọn chính sách đối ngoại của ông Biden đối với Trung Quốc.
Hơn nữa, ông Biden có thể hy vọng sẽ can dự mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Không thể tưởng tượng được viễn cảnh sẽ có một thỏa thuận về biến đổi khí hậu hiệu quả khi mà các bên tham gia ký kết lại là nước xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.
Dưới thời ông Obama, biến đổi khí hậu được xem là ưu tiên hành đầu trong chính sách toàn cầu của Mỹ. Điều này được thể hiện ở việc ông đã hạ thấp các xung đột khác với Trung Quốc để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Hiệp ước biến đổi khí hậu Paris. Hiệp ước mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tham gia cho đến khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi vào năm 2017.
Trong khi đó, Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết hiệp ước này, song đã tiếp tục vi phạm nhiều quy định về sản xuất ô nhiễm và phát thải loại hóa chất CFC vốn đang phá hủy tầng ozon của Trái đất.
Do đó, giới qua sát cho rằng, ông Biden cũng vậy, sẽ cần chọn những chính sách cần ưu tiên trong đối sách với Trung Quốc nếu đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới đây.
Thay vì cách tiếp cận phân tán của chính quyền Trump trong 4 năm qua đối với Trung Quốc, các trợ lý của ông Biden cho rằng, chính sách của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ tập trung vào một số mục tiêu ưu tiên chính như thương mại, gián điệp mạng và dân chủ.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cho biết: “Trung Quốc tự thấy mình ở một vị trí mạnh…, một Trung Quốc đang phát triển. Thế nhưng, chúng tôi sẽ phải hồi sinh nước Mỹ, không để Bắc Kinh tiếp tục lợi dụng, khai thác điểm yếu của Wasshington”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận