24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nền kinh tế Myanmar rơi tự do vì đảo chính

Là chủ của một quán trà ngay cạnh các khu biểu tình chính ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, Soe không thể chắc mình có nên tiếp tục mở cửa buôn bán hay không.

Nếu để cho những người biểu tình chạy vào quán để trốn thì vị chủ quán 43 tuổi này có nguy cơ bị bắn, bị bắt hoặc đồ đạc trong quán sẽ bị đập phá khi quân đội và cảnh sát truy tìm người lẩn trốn. Còn nếu anh ta phớt lờ những người biểu tình đang chạy trốn thì quán của anh ta sẽ bị cộng đồng mạng quay lưng và tẩy chay.

“Giờ chúng tôi không thể mở cửa hàng mỗi ngày nhưng chúng tôi phải chi trả tiền thuê mặt bằng, phí kinh doanh và trả lương cho nhân viên. Nhiều chủ quán trà tại Yangon không biết chắc họ có thể cầm cự được bao lâu nếu như cuộc khủng hoảng này tiếp tục kéo dài”, vị chủ quán này chia sẻ.

Các doanh nghiệp nhỏ như của Soe đang là những nạn nhân hàng đầu của một nền kinh tế dường như đang rơi tự do sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền kiểm soát đất nước từ ngày 01/02. Hơn 600 người đã thiệt mạng dưới tay của lực lượng cảnh sát quân đội kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra; nhà đầu tư nước ngoài rút lui khi các nước phương Tây áp các lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar.

Các tuyến vận tải hàng hải đã ngưng hoạt động khi tài xế xe tải đình công, khiến các container hàng hóa bị mắc kẹt hàng dài tại các cảng. Việc rút tiền mặt bị hạn chế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên. Quân đội đã hạn chế truy cập Internet, khiến việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn hơn. Hàng ngàn công nhân viên chức đã tham gia cùng với những người biểu tình và đang từ chối làm việc, khiến các cơ quan dịch vụ công vô cùng hạn chế.

Nền kinh tế Myanmar rơi tự do vì đảo chính
Người biểu tình tại Myanmar

Nhìn chung, mọi thứ đang nhanh chóng làm xói mòn những thành tựu kinh tế mà Myanmar đã gặt hái được sau khi đón nhận làn sóng nhà đầu tư nước ngoài cách đây một thập kỷ khi đất nước này chuyển sang quá trình dân chủ hóa. Một nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 6% trong vòng 10 năm qua, đang được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo sẽ suy yếu 10% trong năm 2021, mức tồi tệ nhất tại khu vực châu Á cho đến nay trong khi các nước khác đang dần khôi phục sau cuộc suy giảm do đại dịch Covid-19.

Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Á của WB cho biết: “Chúng tôi vô cùng quan ngại. Đối với tôi, mức suy giảm 10% tăng trưởng của một quốc gia nghèo đói dường như đã đủ thảm họa. Sự suy giảm này cùng với tất cả những tổn thất khác sẽ ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng dài hạn, tôi nghĩ rằng chúng ta có một viễn cảnh khá ảm đạm”.

Một số nhà phân tích thậm chí đang kỳ vọng mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn. Fitch Solutions đang đưa ra mức dự báo “thận trọng” là kinh tế Myanmar sẽ sụt giảm 20% trong năm tài chính 2020 – 2021 (kết thúc vào ngày 30/09/2021). Tổ chức này vừa cho biết trong tháng 4 này rằng số người thiệt mạng gia tăng cùng với gia tăng bất ổn xã hội có nghĩa là “tất cả các lĩnh vực cấu thành GDP (theo chi tiêu) sẽ sụp đổ”.

Nền kinh tế Myanmar rơi tự do vì đảo chính
Fitch Solutions nêu: “Chúng ta không thể loại trừ bất cứ một viễn cảnh tồi tệ nào đối với nền kinh tế này”.

Hiện tại, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yangon. Tại các siêu thị, các gian hàng tiện ích hay các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn dồi dào thực phẩm; giá gạo và các mặt hàng chủ lực tương đối ổn định. Thế nhưng các dấu hiệu của sự cẳng thẳng lại đang xuất hiện, đó là cảnh xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng và các ATM sau khi một số ngân hàng giới hạn số tiền tối đa được rút mỗi ngày từ ATM là 200,000 Kyat (tương đương 135 USD). Nhu cầu vàng và USD đang gia tăng.

Tướng Zaw Min Tun, Phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar gần đây cho rằng: “Chúng tôi hiểu rằng chỉ có 10% trong tổng số các chi nhánh ngân hàng tại Myanmar mở cửa trở lại và chúng tôi hiểu được những khó khăn trong việc rút tiền mặt tại các ATM”.

Aung Naing Oo, Bộ trưởng đầu tư dưới chế độ này, cho rằng, Chính quyền quân sự sẽ chèo chống qua cơn bão này. Vị Bộ trưởng này tháng trước còn cho biết Chính quyền kỳ vọng nhận thấy được “sự tác động nhẹ” từ đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, giới kinh doanh Myanmar không tin điều đó và họ cho rằng có chăng đó chỉ là một tia hy vọng mong manh.

“Không ai có thể dự đoán được bao lâu mọi thứ mới trở lại trạng thái bình thường”, Maung Maung Lay, Phó chủ tịch cấp cao của Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar nói. “Thật tình mà nói, tương lai nền kinh tế chúng ta hiện giờ thật bất ổn".

Nhà đầu tư phương Tây phần lớn đã xa lánh Myanmar kể từ năm 2017, khi nước này dính vào các cáo buộc đàn áp người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, buộc Chính phủ phải chuyển sang tập trung thu hút vốn đầu tư từ các nước châu Á, như Singapore và Trung Quốc.

Nền kinh tế Myanmar rơi tự do vì đảo chính

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Brussels cho rằng: “Trung Quốc không hài lòng với cuộc đảo chính và hệ quả của sự không hài lòng này cùng với những đợt tấn công vào các doanh nghiệp của họ chính là cả Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc đều không mong muốn đầu tư vào Myanmar nữa”.

Điều đó khiến Myanmar không có nhiều cơ hội để phục hồi tăng trưởng. Trong tháng 3, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Myanmar đã giảm còn 27.5, mức thấp nhất từ trước đến nay, theo dữ liệu công bố của IHS Markit.

Moe Thuzar, thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) của Singapore, cho biết: “Các tướng lĩnh đã mắc một sai lầm lớn trong tính toán khi thực hiện cuộc đảo chính. Họ muốn hướng tới một thái độ thân thiện hơn với doanh nghiệp và nghĩ rằng đây là nơi họ có thể có lợi thế hơn Chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và điều đó đã phản tác dụng trong một khoảng thời gian dài”.

Câu hỏi duy nhất có thể đặt ra đối với Myanmar lúc này là mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ như thế nào. WB hồi tháng trước đã cảnh báo về “tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh” trong khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc, tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay trong việc hỗ trợ và giải quyết nạn đói, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này có nguy cơ “làm suy yếu khả năng tự kiếm sống của các hộ gia đình nghèo”.

“Tình hình thực tế rất có khả năng chuyển nên “bế tắc không lối thoát” khi quân đội tìm cách nắm quyền kiểm soát các đường phố còn chiến dịch bất tuân dân sự khiến nhiều nơi trên cả nước trở nên khó kiểm soát được”, theo Thant Myint U, tác giả của cuốn sách “The Hidden History of Burma: Race, Capitalism, and the Crisis of Democracy in the 21st Century.” (tạm dịch: Lịch sử ẩn giấu của Miến Điện: Chủng tộc, Chủ nghĩa tư bản và Cuộc khủng hoảng của nền dân chủ trong thế kỷ 21).

Vị tác giả này viết: "Nền kinh tế sẽ sụp đổ, phá hủy cuộc sống của hàng triệu người dân. Dù điều gì diễn ra sắp tới thì Myanmar cũng khó có thể hồi phục trong nhiều năm nữa".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả