Nên hay không bỏ hẳn việc cấp sổ đỏ cho chung cư mini?
Trước ý kiến cho rằng việc cấp sổ đỏ cho chung cư mini dẫn đến tình trạng “khoét lõm”, phá vỡ quy hoạch đô thị, chuyên gia đặt vấn đề liệu bỏ cấp sổ đỏ, chỉ cho thuê loại hình này có giúp giải quyết thực trạng nêu trên hay không.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản báo cáo rà soát và đề xuất sửa đổi một số quy phạm pháp luật đang cản trở hoạt động phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
HoREA cho rằng một số quy định đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư, làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, giá thấp, làm cho người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập được nhà ở.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng quy định này đã dẫn đến tình trạng “khoét lõm”, xây dựng tràn lan các “chung cư mini” tại các đô thị lớn. Từ đó, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị. Đồng thời gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân.
Do vậy, hiệp hội đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bỏ hẳn việc cấp sổ đỏ cho chung cư mini, chỉ cho phép kinh doanh cho thuê nhà.
Cụ thể, cần quy định là: “Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở. Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai phòng ở trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi phòng ở theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, thì chủ sở hữu được kinh doanh cho thuê nhà ở theo quy định của pháp luật".
Bàn về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi, nếu lập luận theo hướng chuyển từ sở hữu sang cho thuê thì liệu có khắc phục được những bất cập nêu trên không hay là tệ hơn?
Theo ông Ánh, phải xác định đề xuất dựa trên cơ sở nào, để làm gì?
“Tôi cho rằng cho thuê chung cư mini thay vì bán, không phải là giải pháp để khắc phục những vấn đề mà loại hình này tác động lên hạ tầng, quy hoạch đô thị… Vấn đề cốt lõi là phải xác định được có cho phát triển chung cư mini không? Nếu có thì có thực hiện được không và không thì xử lý như thế nào với những chung cư mini đã tồn tại?”, ông Ánh cho biết.
Một số ý kiến khác cho rằng, thay vì phát triển loại hình này, Nhà nước cần có thêm chính sách và giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội; gia tăng nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền thì sẽ hạn chế được việc xây dựng, phát triển tràn lan chung cư mini.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, đề xuất này về mặt lý thuyết thì đúng, nhưng về mặt thực tế thì không phù hợp bởi đây là hai phân khúc khác nhau, phục vụ cho những đối tượng có nhu cầu khác nhau.
Về cơ bản, để xây chung cư mini, người ta dùng đất xen kẹt, không thuộc dự án, nằm tại các khu trung tâm để giải quyết chỗ ở cho những người thu nhập thấp hoặc trung bình. Đối tượng này không trùng với đối tượng tại các dự án nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận