Nên giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến mức đề xuất giảm 30 thuế bảo vệ môi trường BVMT đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, mức giảm này vẫn còn khá khiêm tốn so với thiệt hại của các hãng hàng không, do đó nên nâng lên mức 50 mới phù hợp.
“Rất cần thiết”
Cụ thể, trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 đến hết ngày 31.12.2020. Nếu đề xuất được thông qua, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ giảm được 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít so với hiện nay. Theo tính toán, số giảm thu ngân sách nhà nước ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng.
Hiện, dịch Covid - 19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không với dự ước có khoảng một nửa hãng bay trên thế giới tới đây sẽ phá sản.
Trong nước, tính riêng Vietnam Airlines, theo đơn vị này, trong quý II.2020, doanh thu giảm khoảng 18 nghìn tỷ đồng, lỗ lớn khiến hãng phải cho hơn 6.000 lao động nghỉ việc. Dự kiến trong năm nay, doanh thu của hãng giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng; dòng tiền dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy “việc giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là “vô cùng cần thiết”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng nhấn mạnh. Bởi lẽ, ngành hàng không, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid - 19. Việc giảm thuế BVMT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh.
Nâng mức giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu
Mặc dù Bộ Tài chính lý giải mức giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay nằm trong khung thuế BVMT và đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 84/2020, song nhiều ĐBQH vẫn tỏ ý băn khoăn.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn phân tích: Do tác động của dịch Covid – 19, các hãng hàng không đã phải ngưng nhiều chặng bay thương mại quốc tế cũng như hạn chế số chuyến bay nội địa song vẫn phải duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, việc làm cho nhân viên và đang phải bán vé mức thấp để kích cầu. Vài năm nữa hàng không mới có thể khôi phục như mức trước dịch nên việc giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay vẫn rất khiêm tốn so với thiệt hại mà các hãng hàng không đang phải gánh chịu cũng như nhu cầu được hỗ trợ để khôi phục lại hoạt động.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây, Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra đề xuất giảm 50% mức thuế này trên cơ sở tính toán kỹ, xét cả vấn đề bảo đảm cân đối nguồn thu ngân sách cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hàng không phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính chỉ đề xuất giảm 30% để bảo đảm cân đối nguồn thu. “Cần xem xét tăng mức giảm này lên 50%. Như vậy, mặc dù số thu ngân sách nhà nước mỗi tháng sẽ giảm nhiều hơn con số 87,33 tỷ đồng nhưng xét về lâu dài, hỗ trợ hàng không chính là để nuôi dưỡng nguồn thu. Bởi, hàng không là bệ phóng của nhiều ngành kinh tế khác. Số liệu tính toán trên thế giới cũng cho thấy, ngành hàng không tăng trưởng 2 - 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP”, ông Tuấn phân tích.
Thực tế, nhiều nước cũng đã hỗ trợ ngành hàng không thông qua các công cụ thuế, bao gồm thuế đối với nhiên liệu bay. Chẳng hạn, Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Australia miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không. Hay tại Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6.2.2020 đến 30.9.2020) cho các đường bay nội địa.
Đối chiếu với Việt Nam, “nếu chỉ giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay vẫn khá thấp”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng nói. Ông Hùng cho rằng, khi nâng mức hỗ trợ sẽ giúp các hãng hàng không có điều kiện sớm khôi phục hoạt động ngay khi các chuyến bay quốc tế được nối lại. Theo ông, đường bay quốc tế đóng vai trò rất quan trọng đối với các chuỗi giá trị toàn cầu và tiến trình hội nhập sâu và rộng của nước ta.
Vị ĐBQH này cũng lưu ý, việc đề xuất giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay lên 50% cần được xem xét thấu đáo. “Đây là mức giảm thích đáng áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để bảo đảm cân đối nguồn thu ngân sách và bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ này phải sớm thông, hỗ trợ nhanh nhạy, kịp thời cho các hãng hàng không”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ước tính, một chiếc máy bay tối tân, thuộc loại siêu tiết kiệm nhiên liệu như A321 neo bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tiêu tốn khoảng 3.500 lít xăng. Với các máy bay thân rộng cỡ lớn như Boeing 787, A350 sẽ cần hơn 7.000 - 9.000 lít xăng trên cùng chặng bay này. Trong khi đó, mỗi lít xăng RON 95 đang phải “cõng” tới 4 loại thuế và 4 loại phí. Cụ thể, theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng phải trả thuế BVMT cố định 3000 - 4.000 đồng; thuế nhập khẩu 20%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; VAT 10%. Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Năm 2019, các hãng hàng không nộp khoảng 10.000 tỷ đồng tiền thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…); trong đó riêng thuế BVMT chiếm gần 50%. Trung bình mỗi ngày, Vietnam Airlines phải nộp 6,5 tỷ đồng và Vietjet phải nộp 4,6 tỷ đồng thuế BVMT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận