Nên đầu tư vào đâu?
Đây là câu hỏi khá khó để trả lời ở thời điểm hiện tại. Dạo quanh các thông tin về thị trường trong và ngoài nước chúng ta sẽ thấy kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và chưa có nhiều tín hiệu phục hồi.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và lãi suất sẽ khó giảm trong thời gian tới. Trong khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế để phục hồi tăng trưởng sau một khoảng thời gian thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định vĩ mô. Lãi suất điều hành và huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn tương đối cao và là rào cản cho việc phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Bức tranh vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang đi vào giai đoạn tăng trưởng chậm, nhu cầu trong nền kinh tế sụt giảm và đặc biệt các biện pháp kích cầu từ khu vực công chưa phát huy được tác dụng của nó khi mà giải ngân đầu tư công gặp nhiều trở ngại.
Về thị trường tài chính thì thị trường chứng khoán những phiên vừa qua bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và dòng tiền dần quay trở lại với thị trường, một phần cũng do lãi suất huy động giảm mạnh và khiến dòng tiền bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời khác trong đó có chứng khoán. Thị trường bất động sản sau một khoảng thời gian dài đóng băng thì cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để xác định một chu kỳ rã băng cho thị trường vì dòng vốn chảy vào vẫn còn khá nhỏ giọt. Các kênh đầu tư còn lại như vàng hay ngoại hối thì cũng khá im ắng do tỷ giá trong năm nay tương đối ổn định.
Tuy vậy, nếu nhà đầu tư đang có tiền thì đây là cơ hội lớn khi đa số giá cả tài sản tài chính đặc biệt là bất động sản đã giảm giá khá sâu, có nơi lên tới hơn 50%, điều mà trong lịch sử ngành bất động sản từ trước tới nay ở Việt Nam chưa từng xảy ra (Giá bất động sản trong lịch sử được ghi nhận chỉ có tăng hoặc đi ngang hay c giảm nhẹ). Đây là hệ quả của một thế hệ nhà đầu tư mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính cao cũng như đầu tư vào các bất động sản có độ rủi ro lớn và nhu cầu thật thấp như các bất động sản nghỉ dưỡng, second home, bất động sản vùng ven thậm chí là ở những vùng sâu vùng xa khi cơn sốt đất ở các tỉnh thành lên đến đỉnh điểm.
Do đó, các nhà đầu tư nếu có tiền mặt ở thời điểm hiện tại (nhưng chắc là sẽ không có nhiều người có) có thể cân nhắc việc đầu tư vào các bất động sản có nhu cầu thực như nhà phố, căn hộ trung tâm đầy đủ pháp lý, và tìm kiếm các bất động sản đang bị ngộp, bán tháo ở các phân khúc này để đầu tư. Kỳ vọng khi thị trường hồi phục thì các bất động sản này có khả năng tăng giá cũng như thanh khoản được cải thiện rất tốt.
Đối với các nhà đầu tư có số vốn nhỏ và chấp nhận rủi ro hơn có thể cân nhắc đầu tư 1 phần vào thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, xem xét các ngành đang giảm giá sâu và chịu ảnh hưởng mạnh nhưng có thể phục hồi trong dài hạn, và cũng chỉ nên đầu tư vào các công ty lớn và kỳ vọng họ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại. Đây cũng là thời điểm tốt để mua vào các cổ phiếu giá trị hoặc tăng trưởng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng có thể cân nhắc đầu tư vào các công ty công nghệ tiềm năng đang niêm yết hoặc chưa niêm yết. Vì xu hướng của công nghệ sẽ quay trở lại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 vẫn đang diễn ra sôi động, tuy nhiên, để có thể đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi phải có tầm nhìn và kiến thức cơ bản về lĩnh vực công nghệ để có thể đánh giá được đâu là các dự án tiềm năng.
Và trên hết là nên tập trung vào nền kinh tế thực, trong suốt nhiều thập kỷ qua người dân Việt Nam vẫn có xu hướng đầu tư vào bất động sản đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động vốn của nền kinh tế. Dù việc phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng là quy luật tất yếu cho một nền kinh tế mới nổi. Nhưng việc quá sa đà vào các dự án bất động sản rất dễ làm nền kinh tế đi chệch hướng và không tập trung vào nền kinh tế thực tạo ra của cải vật chất. Do đó, xu hướng trong tương lai thì bất động sản hay chứng khoán và vàng vẫn là kênh đầu tư quan trọng, nhưng sẽ có sự dịch chuyển nguồn vốn một phần sang các ngành công nghiệp, sản xuất và thương mại dịch vụ, nơi thật sự tạo ra của cải vật chất cho xã hội theo định hướng của Chính phủ, giúp cho Việt Nam có thế mạnh trong các ngành cụ thể trong nền kinh tế để gia tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, việc đầu tư vào các ngành này một cách trực tiếp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như mang lại lợi nhuận cao và bền vững cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra với các cam kết của Việt Nam ở hội nghị COP 26 và COP27, kỳ vọng có sự dịch chuyển từ nền kinh tế nâu hiện tại sang nền kinh tế xanh, mở ra cơ hội đầu tư vào các ngành kinh tế xanh, bền vững trong tương lai, chính vì thế đây cũng là một kênh đáng quan tâm về dài hạn, đặc biệt là khi thị trường mua bán tín chỉ Carbon được xây dựng ở Việt Nam trong tương lai gần, sẽ là cơ hội tốt nếu như hiện nay chúng ta có những chiến lược đi tắt đón đầu khi đầu tư vào các ngành này.
Tổng kết lại, theo chu kỳ kinh tế thì ở giai đoạn suy thoái và bắt đầu phục hồi là giai đoạn rất tốt để cân nhắc trong việc giải ngân vốn đầu tư, Việt Nam chưa hẳn rơi vào giai đoạn suy thoái nhưng nhìn chung đây cũng được xem như là đáy của mọi sự khó khăn trong nền kinh tế về dài hạn, thời gian hồi phục có thể dài ngắn tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế nhưng có thể nói thời điểm này là chính mùi để cân nhắc đầu tư, nhất là ở các ngành mới. Việc đầu tư cần lưu ý sẽ tùy thuộc và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, vì khẩu vị rủi ro sẽ khác nhau rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư. Tuy nhiên, lời khuyên là các nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận các kênh đầu tư và chỉ đầu tư khi thực sự tự tin, tránh việc đầu tư năm ăn năm thua và đặc biệt cần tránh việc đầu tư theo kiểu đầu cơ, mua thấp bán cao kinh doanh chênh lệch giá trong thời điểm hiện tại vì nó sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Và cuối cùng nguyên tắc đầu tư cố hữu là không bỏ hết trứng vào một rổ mà cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình để có thể giảm thiểu rủi ro tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận