Nên bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá?
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá trong dự án Luật Giá (sửa đổi), hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh quan điểm đồng tình thì cũng có ý kiến đề nghị bỏ, bởi việc can thiệp bằng quỹ bình ổn giá chỉ là giải pháp tình thế, không thuận theo quy luật của thị trường.
Chiều 8/3, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).
Thông tin về một số vấn đề lớn trong dự án luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, lần sửa đổi này đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh; bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, lần này đã giảm tối đa nội dung giao Chính phủ quy định (còn 9 nội dung).
Đáng lưu ý liên quan đến nội dung về bình ổn giá, trong đó có Quỹ bình ổn giá, bà Mai cho biết còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, một số ý kiến tán thành giữ quy định về Quỹ bình ổn giá (quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật), nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với trường hợp cần thiết phát sinh, đã được khẳng định tác dụng sau đại dịch COVID-19.
Mặt hạn chế của quỹ bình ổn giá trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến quá trình điều hành, nên chỉ cần khắc phục bằng điều chỉnh công cụ, biện pháp điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng;
“Không thể vì phương thức quản lý, điều hành quỹ bình ổn cụ thể mà bỏ mô hình góp phần giữ ổn định đời sống người dân”, ý kiến tán thành nhìn nhận. Tuy nhiên các ý kiến tán thành cũng đề nghị, không nên để quỹ bình ổn giá ở doanh nghiệp. Đồng thời cần hình thành một quỹ bình ổn quốc gia, trên cơ sở phát huy kinh nghiệm trích lập, hình thành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay.
Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị sớm kết thúc mô hình này. Lý do, việc can thiệp bằng quỹ bình ổn giá chỉ là giải pháp tình thế, không thuận theo quy luật của thị trường. Mặt khác, đây thực chất cũng là tiền ứng trước của khách hàng để ứng phó khi giá hàng hóa cụ thể trên thị trường thế giới, trong nước có biến động lớn.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị hình thành quỹ phúc lợi xã hội nhằm bù đắp cho người yếu thế khi xảy ra chênh lệch quá cao, tác động đến thu nhập.
Viện dẫn theo báo cáo của Chính phủ, một số ý kiến lưu ý, hiện nay chỉ duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên không cần thiết quy định thành một điều trong dự thảo Luật về quỹ, chỉ quy định tại điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật để thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh trường hợp thành lập quá nhiều loại quỹ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, dự thảo đã bước đầu tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu quốc hội; hồ sơ trình nếu hoàn thiện thêm một bước nữa sẽ đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 3 này.
Đối với các nội dung có ý kiến khác nhau về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá, ông Hải đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với của từng loại ý kiến.
Tới đây sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lo ngại sự minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
08/11/2022
Ý kiến trái chiều về 'lợi - hại' của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
02/11/2022
Luân Dũng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận