NĐT cá nhân "trỗi dậy", liệu TTCK có "bùng nổ" như năm 2021?
Lãi suất huy động các ngân hàng đều giảm mạnh so với đầu năm giúp chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhưng thị trường sẽ không "bùng nổ" như năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta nhận định sẽ rất khó để đón được một cơn sóng như năm 2021 vì thứ nhất, 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đánh giá như nào về việc dòng vốn cá nhân liên tục cân thị trường trong vòng 1 tháng qua, ông Nguyễn Thế Minh cho biết có 2 nguyên nhân khiến dòng vốn nội "bừng tỉnh"
Thứ nhất: Nhóm NĐT nước ngoài, trong những tháng đầu năm khối ngoại mua ròng khi thị trường đi xuống, do đó, giai đoạn vừa rồi thị trường đi lên thì họ có xu hướng chốt lời, bán ra. Mua bán của khối ngoại theo chu kỳ. Chưa kể, những khó khăn với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý 3 vẫn còn đó nên họ vẫn thận trọng, lo ngại.
Thứ hai: Nhóm NĐT cá nhân, nhóm này thường có xu hướng mua đuổi, mua vào trong giai đoạn đầu hồi phục của thị trường. Để ý thì thấy dòng tiền cá nhân chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ, penny giúp cho nhóm này có một sóng tăng mạnh trong vòng một hai tháng qua.
Cơ bản, thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân.
Nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN vừa qua là động lực cho dòng tiền nội tham gia mạnh mẽ. Lãi suất huy động các ngân hàng đều giảm mạnh so với đầu năm, trở về mức lãi suất trước thời điểm nóng cuối năm 2022 nên giúp cho chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Đặc biệt với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, họ ưa thích lướt sóng, không mặn mà tiết kiệm, chẳng qua giai đoạn một năm qua chứng khoán quá xấu nên trú ẩn vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Do đó, khi lãu suất giảm thì một phần tiền này sẽ chuyển sang kênh chứng khoán.
Chia sẻ thêm về việc liệu TTCK có "bùng nổ" như năm 2021 khi dòng vốn nội trỗi dậy hay không, vị chuyên gia của Yuanta cho rằng, sẽ rất khó để đón được một cơn sóng như năm 2021 bởi 2 yếu tố sau:
Thứ nhất: 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022. Tất nhiên vẫn có những người giữ được vốn nhưng có người âm vốn do dùng đòn bẩy lớn, tâm lý sợ vẫn còn.
Thứ hai: Fed và các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng chu kỳ tiền rẻ quay lại, lạm phát chưa về mục tiêu của Fed, các yếu tố vĩ mô, địa chính trị mà chúng ta chưa dự báo được nên khó có dòng tiền rẻ quay lại và thị trường chưa thể bùng nổ. Việc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ là cơ sở để tiền chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán.
Bình luận