Nâng mức hỗ trợ cho người nghèo làm nhà chống lũ vì bão giá nguyên vật liệu
Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt được nghiên cứu, xây dựng từ trước năm 2014, đến nay các nguyên vật liệu chính để xây dựng nhà đã bị trượt giá nên với mức hỗ trợ và mức vay vốn ưu đãi hiện tại không đủ để hộ nghèo xây dựng nhà ở...
Mở rộng đối tượng, địa bàn được hỗ trợ; bổ sung về diện tích, chất lượng nhà ở, tăng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi cho các hộ nghèo… là những điểm mới trong dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến.
CHƯA CÓ CHUẨN MỚI CHO HỖ TRỢ NHÀ CHO HỘ NGHÈO
Nói về sự cần thiết cần sửa đổi quyết định trên, Bộ Xây dựng cho biết, các Chương trình hỗ trợ nhà ở hiện nay đều có đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, chưa có chương trình nào hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.Đồng thời, quá trình thực hiện chính sách cho thấy còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đặc biệt, qua đợt mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng và khốc liệt tháng 10/2020, theo thống kê, vẫn còn hàng nghìn hộ gia đình nghèo chưa có nhà ở đảm bảo an toàn trước thiên tai bão, lụt.
Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chính sách để phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị mở rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 28 tỉnh ven biển Việt Nam thay vì áp dụng ở 14 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) như hiện nay. Đồng thời mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025; bổ sung quy định về điều kiện, chất lượng nhà ở theo hướng: có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; bảo đảm có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn tối thiểu 15 m2 (tăng 5m2 so với quy định cũ). Thời gian sử dụng nhà ở bảo đảm từ 20 năm trở lên.
Phạm vi áp dụng của chương trình được mở rộng ra địa bàn 28 tỉnh/thành phố ven biển, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
CẦN HƠN 2.960 TỶ ĐỒNG NGÂN SÁCH
Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã thực hiện điều tra, khảo sát thực trạng nhà ở và nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt của các hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, làm cơ sở tổng hợp số liệu, nghiên cứu đề xuất kéo dài và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo Quyết định số 48/2014/QĐ, ngân sách nhà nước hỗ trợ: 14 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 16 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đối với những hộ đối tượng còn lại. Mức vay Ngân hàng Chính sách xã hội: tối đa 15 triệu đồng/hộ; lãi suất vay là 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt được nghiên cứu, xây dựng từ trước năm 2014, đến nay các nguyên vật liệu chính để xây dựng nhà đã bị trượt giá nên với mức hỗ trợ và mức vay vốn ưu đãi hiện nay không đủ để hộ nghèo xây dựng nhà ở.
Tổng hợp các mẫu thiết kế của các địa phương thực hiện quyết định số 48/2014/QĐ-TTg chủ yếu có diện tích sử dụng từ 30 - 60m2; giá thành khoảng 60 triệu đồng, tương đương khoảng 2 triệu đồng/m2. Các mẫu thiết kế có bổ sung tính năng chống bão có diện tích sử dụng từ khoảng 30 - 60m2/căn; giá thành khoảng 60 đến 120 triệu đồng, tương đương 2 - 3 triệu đồng/m2.
Như vậy, nhà ở phòng, chống bão, lụt có diện tích sử dụng 30 m2, (trong đó bảo đảm có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng có diện tích tối thiểu 15 m2) có giá tạm tính khoảng 30 m2 x 3 triệu đồng/m2= 90 triệu đồng.
Do đó, cần tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương lên 30 triệu đồng/hộ gia đình có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội, 20 triệu đồng/hộ đối với các hộ gia đình khác; mức cho vay ưu đãi nâng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ; đảm bảo sau khi được hỗ trợ các hộ có thể xây dựng được sàn tránh bão lụt tối thiểu 15m2 theo yêu cầu, còn lại hộ gia đình tự huy động thêm từ cộng đồng, dòng họ và các nguồn kinh phí khác để xây dựng nhà ở tùy theo nhu cầu sử dụng. Bộ Xây dựng cũng đề xuất kéo dài chương trình hỗ trợ đến 2025
Báo cáo của 28 tỉnh/thành phố ven biển cho thấy, hiện nay có khoảng 65.500 hộ đối tượng cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; trong đó có 30.000 hộ nghèo, 35.500 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Tạm tính số hộ có đối tượng bảo trợ bằng 2% tổng số đối tượng cần hỗ trợ là 1.310 hộ.
Như vậy, nhu cầu vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2022-2025 để thực hiện khoảng 2.960,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo quyết định số 48/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoảng 1.323,1 tỷ đồng (bao gồm khoảng 39,3 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội và 1.283,8 tỷ đồng vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khác); khoảng 1.637,5 tỷ đồng vốn ngân sách TW cấp 50% cho ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi, 50% còn lại ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận