Nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu: Câu chuyện lợi ích nhà đầu tư nhỏ bị bỏ quên?
Đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng nhà đầu tư và giới chuyên gia.
Hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HOSE diễn ra trong thời gian dài khiến nhà đầu tư bức xúc. Cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục; trong đó, có đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) Lê Hải Trà đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng nhà đầu tư và giới chuyên gia.
Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Diệp nêu quan điểm, việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu giống như “hàng rào" cản trở nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
“Bản thân tôi và các bạn của tôi khi mới tham gia thị trường chứng khoán cũng chỉ có từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, giờ nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi đầu tư của chúng tôi”, chị Diệp nói.
Theo chị Diệp, chưa bao giờ thị trường chứng khoán có được cơ hội tăng trưởng như hiện nay. Dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường giúp thanh khoản ở mức cao kỷ lục, vốn hóa thị trường tăng cao và chứng khoán được nhiều người biết đến. Nhưng, đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu nếu trở thành hiện thực không những cản trở nhà đầu tư gia nhập thị trường mà còn gây “chán nản” đối với những người đã tham gia thị trường.
Hơn nữa, theo nhiều nhà đầu tư, chính những nhà đầu tư lớn, những “cá mập” cũng muốn thị trường có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia.
Nhà đầu tư Lê Thế Bình chia sẻ quan điểm, chính các quỹ đầu tư ngoại cũng muốn đông nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia để thị trường có “độ dày”.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, phương án nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu có thể là nhanh chóng giảm lượng lệnh giao dịch hàng ngày tại HOSE. Tuy nhiên, sẽ kéo theo các ảnh hưởng tiêu cực khác như gây bức xúc trong nhóm nhà đầu tư nhỏ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, giảm thanh khoản chung trên thị trường chứng khoán vì một bộ phận nhà đầu tư không thể giao dịch thuận lợi. Ngoài ra cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khi cho rằng không được bảo vệ.
Phương án này nếu được thực hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán trong điều kiện thuận lợi hiện nay là được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tới thị trường.
"Rõ ràng đây là mục đích vận hành và phát triển thị trường thì nhà đầu tư luôn là yếu tố rất quan trọng. Việc phát triển được lực lượng này sẽ góp phần phát triển thị trường chứng khoán bền vững trong tương lai. Vì vậy, chúng ta không nên đi ngược lại với mục đích đó và làm tổn hại tới lợi ích của nhà đầu tư", ông Ngọc bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, đối với đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều là những người có tài khoản từ 1 tỷ đồng trở xuống, nhất là nhà đầu tư có khoảng 500 triệu đồng trở xuống sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo thống kê chọn mẫu từ phía hiệp hội thì những nhà đầu tư có tài khoản có 500 triệu đồng trở xuống chiếm khoảng 30% của các nhà đầu tư cá nhân; trong đó, số tài khoản của các nhà đầu tư lần đầu tham gia vào thị trường chứng khoán (nhà đầu tư F0) có từ 300 - 500 triệu đồng là rất nhiều nên đề xuất này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, chứ không phải là để bảo vệ được nhà đầu tư.
Ông Hải nhận định, năm 2020, câu chuyện “bùng nổ” của thị trường chứng khoán có được là do sức mạnh từ nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư F0. Thị trường luôn cần có thêm những dòng tiền mới để thêm sôi động. Nếu thực hiện theo phương án nâng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể chặn đường đầu tư của nhà đầu tư F0 và có thể làm những nhà đầu tư này thua lỗ,
Trong khi rất nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu thì vẫn có những ý kiến ủng hộ phương án này.
Theo đó, bình luận về đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu của HOSE, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu là giải pháp "ít dở hơn" để duy trì hệ thống.
Theo ông Hưng, giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư Phan Huy Tuyên, nâng lô lên 1.000 cổ phiếu chỉ là giải pháp tình thế trước việc nghẽn lệnh diễn ra trầm trọng tại sàn HOSE. Sau khi có hệ thống mới thì lại quy định lô tối thiểu như cũ nên điều này có thể chấp nhận được.
Ngoài đề xuất nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu, cơ quan quản lý đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục nghẽn lệnh trên HOSE.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX.
Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CSI cho biết, ông rất ủng hộ giải pháp tạm thời chuyển một số cổ phiếu đang giao dịch tại HOSE sang giao dịch tạm thời tại HNX trong khoảng thời gian chờ hệ thống mới vận hành. Việc này sẽ trực tiếp giảm tải cho hệ thống của HOSE.
Ông Ngọc cho rằng, để triển khai việc này là cơ quan quản lý có thể lập bảng cổ phiếu theo nhóm ngành của HOSE (có loại trừ các cổ phiếu trong VN30) để chuyển sang giao dịch tạm thời trên HNX. Ví dụ có thể là ngành chứng khoán hay ngành ngân hàng, đây là các ngành có thanh khoản khá, nên sẽ giảm tải được cho HOSE đáng kể.
Việc khơi thông thanh khoản cho thị trường sẽ giúp giao dịch của các nhóm cổ phiếu này và của thị trường chung gia tăng mạnh khi nhà đầu tư được thoải mái mua bán mà không lo nghẽn lệnh. Đối với các công ty chứng khoán thì còn được hưởng lợi trực tiếp từ thu phí giao dịch khi thanh khoản chung tăng.
Để làm được việc này, ông Ngọc cho rằng cơ quan quản lý cần phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhóm ngành được chọn để chuyển từ HOSE sang HNX, ví dụ như giảm phí thu trên giao dịch của các nhóm ngành này.
Theo ông Ngọc, để xử lý được vấn đề khó (tắc nghẽn lệnh) của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung thì rất cần sự đồng lòng của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, các công ty và các doanh nghiệp niêm yết, cùng sự chia sẻ của nhà đầu tư.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải có những băn khoăn và cho rằng, việc chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX là một việc khó và tính khả thi không cao. Theo ông, doanh nghiệp muốn chuyển sàn thì phải hỏi ý kiến cổ đông mà có thể cổ đông sẽ không đồng ý vì lo ngại một số rủi ro về giá cổ phiếu và thanh khoản có thể giảm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải. Ảnh: BNEWS phát
“Giải pháp là nhanh chóng đàm phán với phía Thái Lan để nâng cấp hệ thống giao dịch hiện nay khắc phục tình trạng nghẽn lệnh. Giải pháp này có thể tốn kém nhưng chi phí sẽ là rất nhỏ so với cái được của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, cũng cần đẩy nhanh dự án lắp đặt hệ thống giao dịch mới”, ông Hải nói./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận