Nâng hạng thị trường MSCI: Việt Nam lại lỡ hẹn
Đúng như dự báo Việt Nam vẫn chưa được xướng tên trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI.
Đáng chú ý hơn, trong đợt review lần này, MSCI đưa ra đề xuất chuyển Pakistan thị trường mới nổi (Emerging Market) sang thị trường cận biên (Frontier Market). Đề xuất này có thể tác động tới tỷ trọng của Việt Nam trong rổ thị trường cận biên.
Vào sáng ngày thứ Sáu (25/06), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo kết quả vừa công bố, Việt Nam lại lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
Trên thực tế, kết quả này có lẽ đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước vì đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự cải thiện nhiều sau 1 năm. Ngoài ra, tình trạng giao dịch khó khăn trên sàn HOSE trong năm nay cũng có thể là yếu tố gây cản trở tiến trình xem xét nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. MSCI cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE.
Chặng đường nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường Việt Nam có vẻ còn rất xa. Theo đánh giá Công ty chứng khoán VNDriect, nếu hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm 2021 thì Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên 2022. Sau đó, thị trường Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xem xét vào tháng 6/2023, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó.
Đề xuất chuyển Pakistan sang thị trường cận biên
MSCI cho biết đã khởi động cuộc tham vấn ý kiến về đề xuất chuyển MSCI Pakistan Index từ thị trường mới nổi sang thị trường cận biên trong đợt review chỉ số bán niên tháng 11/2021.
Lý giải cho động thái trên, tổ chức này cho biết thị trường cổ phiếu Pakistan đã không còn đáp ứng tiêu chí về quy mô và thanh khoản của thị trường mới nổi kể từ đợt review bán niên tháng 11/2019.
Trong đề xuất, MSCI cũng đưa ra bảng mô phỏng cho trường hợp Pakistan được chuyển sang thị trường cận biên. Cụ thể hơn, sẽ có 4 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ thị trường cận biên với tổng tỷ trọng là 2.3%. Trong khi đó, tỷ trọng của Việt Nam bị giảm nhẹ từ 31% xuống 30.3%, trong khi số cổ phiếu được giữ nguyên.
Bảng mô phỏng cho chỉ số MSCI Frontier Market
Ngoài ra, MSCI cũng đưa ra bảng mô phỏng tác động đối với chỉ số MSCI Frontier Markets 100. Trong đó, MSCI thêm 13 cổ phiếu Pakistan với tổng tỷ trọng 5.8%. Tuy nhiên, tỷ trọng Việt Nam không giảm mà còn tăng, từ 31% lên 31.4%, trong khi số lượng cổ phiếu được giữ nguyên.
Bảng mô phỏng tác động cho chỉ số MSCI Frontier Markets 100
Top 10 cổ phiếu thành phần có 3 cổ phiếu Việt Nam là VIC, HPG, VNM với tỷ trọng mô phỏng tương ứng 4.7%, 4.4% và 2.9%.
Bảng mô phỏng Top 10 của chỉ số MSCI Frontier Markets 100
Như vậy, cho dù Pakistan được chuyển sang thị trường cận biên, cổ phiếu Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức trên 30%.
MSCI sẽ tham vấn ý kiến của các thành phần tham gia thị trường về đề xuất này cho tới ngày 31/08/2021 và sẽ thông báo quyết định vào ngày 07/09/2021.
Argentina được chuyển sang thị trường độc lập
MSCI thông báo sẽ chuyển Argentina từ thị trường mới nổi sang thị trường độc lập (Standalone Markets) trong đợt review bán niên tháng 11/2021. Đây được xem là một tin tích cực với thị trường Việt Nam vì trước đó MSCI có cân nhắc tới chuyện chuyển Argentina sang thị trường cận biên thay vì thị trường độc lập.
“Kể từ tháng 11/2019, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế bị áp biện pháp kiểm soát vốn trên thị trường cổ phiếu Argentina”, Craig Feldman, Trưởng bộ phận nghiên cứu quản lý chỉ số và là thành viên của Ủy ban Chính sách chỉ số MSCI, cho hay. “Sự nghiêm trọng của các biện pháp kiểm soát vốn (mà không có biện pháp giải quyết nào được đưa ra) đã không còn phù hợp với tiêu chí Khả năng tiếp cận Thị trường của chỉ số MSCI Emerging Markets. Điều này dẫn tới việc Argentina bị chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường độc lập”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận