Nâng cấp sân bay Cần Thơ để đáp ứng công suất 15 triệu hành khách/năm
Ngày 20/7, Ban chỉ đạo đạo thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).
Quy hoạch là căn cứ triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ở các ngành, các lĩnh vực, bố trí lại không gian để Cần Thơ phát triển theo đúng định hướng đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 59 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đơn vị tư vấn, quan điểm chung phát triển không gian thành phố Cần Thơ, là thành phố loại I trực thuộc trung ương, trung tâm vùng ĐBSCL thì coi toàn bộ Cần Thơ là đô thị, với các khu đô thị có tính chất khác nhau, trọng tâm khác nhau; đô thị mang tính chất đặc thù vùng ĐBSCL; đô thị đối trọng, vệ tinh của vùng TPHCM.
Là đô thị sinh thái sông nước, với mặt tiền chính toàn đô thị là sông Hậu; bản sắc của từng quận/huyện là các sông nhánh; bản sắc miệt vườn sông nước ở các lưu vực sông nhánh tự nhiên…
Đối với các đề xuất về hạ tầng, về hiện trạng hàng không hiện sân bay Cần Thơ ở cấp 4E, công suất 3 triệu hành khách/năm, theo quy hoạch sẽ tăng công suất và hình thành trung tâm logistics khu vực Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Theo đó, giai đoạn 2021- 2030, xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay để đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2030-2050, xây dựng mới thêm 1 khu hàng không dân dụng và 1 đường hạ cất cánh, công suất 15 triệu hành khách/năm…
Chống ngập đô thị
Về giải pháp chống ngập úng đô thị, đơn vị tư vấn đề xuất: Đối với khu đô thị hiện hữu (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng), thực hiện vận hành ô bao để kiểm soát ngập với hệ thống công trình kè sông, cống ngăn triều, trạm bơm.
Bên trong ô bao, thực hiện các giải pháp công trình xanh, bao gồm cả nạo vét kênh, với phương châm “chậm nước – chôn nước – tiêu nước”. Coi toàn bộ hệ thống kênh rạch là hồ điều hòa. Thực hiện chiến lược quản lý rủi ro ngập tích hợp, bao gồm cả dự báo, cảnh báo sớm. Đối với khu đô thị mới, thực hiện nâng nền, kết hợp với các giải pháp trên.
Về giải pháp phục hồi hệ thống kênh rạch nội ô: Nạo vét các kênh, rạch, đảm bảo lưu thông dòng chảy, tiêu thoát, tăng cường trao đổi nước. Đảm bảo duy trì dòng chảy môi trường thông qua việc vận hành công trình thủy lợi để kiểm soát mực nước; Xử lý sạt lở các đoạn xung yếu; thiết lập hành lang bảo vệ kênh, không để lấn chiếm. Tạo cảnh quan và đường dạo, công viên sinh thái dọc kênh. Đảm bảo các vị trí cầu về thoát nước và tĩnh không cho giao thông thủy du lịch trên kênh chính…
Theo nhiều ý kiến, bản Quy hoạch ra đời và được thực thi phải đưa Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm vùng ĐBSCL theo đúng quan điểm chỉ đạo và định hướng của Bộ Chính trị, đảm bảo sự hài hòa trong tổng thể vùng, xứng tầm với vị trí, vai trò là động lực phát triển của cả vùng, trên cơ sở phát huy đối đa tiềm năng, lợi thế của Cần Thơ.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh yêu cầu các sở, ngành trong từng lĩnh vực, cùng đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ và sớm hoàn thiện bản đồ chi tiết để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan… để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.
Theo ông Mạnh, đây không chỉ là một bản vẽ, một bản quy hoạch mà thực chất ý nghĩa của một chiến lược và một kế hoạch để thực hiện; phải xác định các điều kiện hay chuẩn bị các điều kiện về không gian, hạ tầng thuận lợi nhất để thu hút được nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận