24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nâng cao vai trò của Việt Nam, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí về hoạt động đối ngoại.

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí về hoạt động đối ngoại.

- Phó Thủ tướng có thể đánh giá về tình hình thế giới cũng như khu vực trong năm 2019 và những dự báo trong năm 2020?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đánh giá vắn tắt tổng thể năm 2019, đó là tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dần. Đây là một điều đáng lo ngại của tình hình kinh tế sau 10 năm. Cho đến nay, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ước đạt 2,9%-3% (theo IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới dưới mức dự đoán trên, trong khoảng 2,5% đến hơn 2,5%.

Một trong những nguyên nhân kinh tế thế giới tăng trưởng chậm là do vấn đề tăng trưởng chậm của các nước phát triển. Nhưng đánh giá tổng thể thì thấy do vấn đề thương mại thế giới chậm lại, cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Thương mại chậm lại là do có những chính sách bảo hộ mậu dịch, có những cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, rồi cạnh tranh thương mại của các nước khác.

Xu hướng bảo hộ mậu dịch như thế này trái ngược với xu thế chúng ta đã nhìn thấy trong các năm trước, đó là tự do hóa thương mại và vấn đề tăng trưởng cho thương mại toàn cầu tăng lên. Đây là tác động có thể nói là tiêu cực đến tình hình.

Vấn đề tiếp theo, nhận định chung thế giới và khu vực có chiều hướng là hòa bình ổn định, nhận định đó vẫn là đúng. Nhưng những vấn đề bất ổn tăng lên rất nhiều, nhất là ở các khu vực điểm nóng như khu vực Trung Đông.

Ngay vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 đã xuất hiện tình hình Trung Đông bất ổn, cùng với những vấn đề trong cả năm 2019 như: cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cuộc chiến chống khủng bố, cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tác động đến các khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta.

Điểm đáng nói là năm 2019 bất ổn nhiều hơn. Trong khu vực của chúng ta rõ ràng đó là vấn đề Biển Đông. Việc vi phạm của nhóm tàu khảo sát HD-08 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm cho tình hình rất phức tạp; không những thế lại có cả vi phạm tại những vùng biển của các nước khác trong khu vực Biển Đông.

Nhưng có một điểm rất tích cực, đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế. Các nền kinh tế đang phát triển nhờ nền kinh tế số. Đây cũng là một dấu hiệu cho sự tăng trưởng, cũng là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, là dấu hiệu tích cực mà các nước cũng đang tranh thủ.

Chắc chắn trong năm 2020 sẽ tiếp tục khó khăn, bất ổn, trong đó vấn đề thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động.

Cho dù là có được giải pháp giữa Mỹ và Trung Quốc, giải pháp tạm thời hoặc là những biện pháp, nhưng vẫn còn đâu đó chính sách bảo hộ mậu dịch, những chính sách ảnh hưởng đến vấn đề tự do thương mại.

Đó là những vấn đề chúng ta nhìn thấy sẽ tiếp tục trong năm 2020. Tình hình thế giới, khả năng vẫn còn nhiều bất ổn khó lường ở các khu vực chưa giải quyết được vì chưa có các giải pháp căn cơ để giải quyết, nhất là khu vực Trung Đông, khu vực châu Phi.

- Xin Phó Thủ tướng có thể chia sẻ về những thành tựu, đối ngoại trong năm 2019 và dấu ấn của Việt Nam?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Nhìn lại năm 2019, chúng ta rất vui mừng là hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước hết sức thành công và tích cực.

Tích cực trên mấy phương diện là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới như vậy, bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng như bất ổn tại các khu vực, chúng ta tiếp tục duy trì phát triển quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước; đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực.

Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và còn mở rộng thêm với hai nước là đối tác toàn diện, chiến lược. Chúng ta đã nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam lên với 30 nước. Với xu thế đó, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ thêm với các nước.

Việc nâng tầm quan hệ đa phương của Việt Nam, trong năm 2019 thể hiện rất rõ, chúng ta đã triển khai một cách rất bài bản Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đa phương. Việc này được triển khai ngay từ đầu năm 2019, đó là việc tổ chức sự kiện Mỹ-Triều tại Việt Nam.

Đây không phải đơn thuần là một sự kiện, mà nó hàm chứa việc Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của chúng ta, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung, đó là vấn đề đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực Bán đảo Triều Tiên.

Nếu như Hội nghị giữa Mỹ và Triều Tiên thành công, ra được kết quả thì trong đó có đóng góp của Việt Nam đối với việc thúc đẩy hòa bình, ổn định. Việc này còn thể hiện một điều Việt Nam đã chủ động tích cực, sẵn sàng tham gia, có thể tạm gọi là vai trò hòa giải.

Đây là một nội hàm của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về việc tăng cường vai trò dẫn dắt và hòa giải. Chúng ta thấy rất rõ việc Việt Nam được bầu và trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Liên hợp quốc.

Có lẽ đây cũng là sự đánh giá vai trò, vị thế của Việt Nam; các nước nhìn thấy khả năng và trách nhiệm của Việt Nam có thể làm được. Trong năm 2020, Việt Nam phải đảm nhiệm một lúc hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đó là những công việc chúng ta phải triển khai, bên cạnh những hoạt động đối ngoại khác của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của Việt Nam, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước.

- Phó Thủ tướng đã nhắc tới việc Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò kép. Trong năm 2020, khi đảm nhận vai trò vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta sẽ gặp phải khó khăn và có những thuận lợi gì, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Với trách nhiệm mới là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời cũng nâng vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề lớn trên thế giới và vấn đề toàn cầu.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008-2009, Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã có đóng góp cho các vấn đề của thế giới, vấn đề toàn cầu, vấn đề hòa bình, an ninh.

Nhưng lần này chúng ta vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với trọng trách hết sức nặng nề. Bởi vì tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tại Liên hợp quốc, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, vấn đề lợi ích khác biệt trong Hội đồng Bảo an là rất lớn. Chúng ta gia nhập vào một thời điểm khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm, những vấn đề có thể đóng góp.

Ngay tháng đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ trong một vài ngày đầu Việt Nam đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta.

Vừa qua, tôi vừa chủ trì phiên Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục, không chỉ thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại phiên Thảo luận mở các nước thành viên của Liên hợp quốc đều có thể tham gia.

Có thể nói là sự tham dự cao kỷ lục, tôi cũng đã xem lại tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, số lượng cũng chưa bao giờ đạt mức như tại cuộc họp mở vừa rồi có 110 nước tham gia. Điều đó cho thấy chủ đề, đề xuất của Việt Nam đưa ra là rất phù hợp và đúng thời điểm.

Các nước thấy rằng, hơn bao giờ hết càng phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này không có nghĩa là trước đây không có các cuộc thảo luận. Năm 2015, 2016, 2018, Hội đồng Bảo an cũng đã từng có các cuộc thảo luận về các khía cạnh liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc.

Nhưng lần này, cuộc thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm các nước thấy rằng Hiến chương hiện nay đang bị một số nước có thể là không tôn trọng. Việc chúng ta nêu quan điểm là các nước, đặc biệt là các ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

Điều này đáp ứng suy nghĩ chung của các nước thành viên khác. Các nước tham gia phát biểu rất tích cực, cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích, tạo được sự quan tâm của các nước.

Chúng ta thường nói là vạn sự khởi đầu nan, mong rằng Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực. Đồng thời, chúng ta cũng có một vai trò hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta cũng rất mong muốn chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay là cần tăng cường đoàn kết trong nội khối, tăng cường kết nối để có thể thích ứng, hay chủ động thích ứng với những biến đổi của tình hình thế giới; đặc biệt trong sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, những vấn đề kinh tế, thương mại đặt ra.

Khi cùng lúc vừa là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1 và bắt đầu Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến là tổ chức thông tin về ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đây là lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có tổ chức thông tin về ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ của ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức Liên hợp quốc.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Chủ tịch của ASEAN 2020, nêu đề xuất vấn đề này. Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có cuộc trao đổi như vậy, cùng một lúc nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Liên hợp quốc.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao!.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả