Nắn chỉnh quy hoạch ngành điện cục bộ - “điểm đen” cần loại bỏ
Cùng với việc liên tục bổ sung quy hoạch điện, việc nhanh chóng “sang tay” các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi được cấp phép là hiện tượng cần suy nghĩ.
Làm việc tại Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nơi đang nỗ lực góp phần tạo dựng môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Đức cũng có nhiều năm tham gia đoàn kiểm tra giá thành sản xuất điện, nên có sự quan tâm đặc biệt tới các câu chuyện mới phát sinh trong ngành điện.
Gần đây, có tình trạng các dự án điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư trong nước sau khi được bổ sung vào Quy hoạch điện hay mới vận hành đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, điều này có phải do cơ chế bổ sung quy hoạch điện có tình trạng xin - cho hoặc thủ tục hành chính phức tạp, nên nhà đầu tư ngoại chọn đường mua lại cho nhanh, gọn với chí phí rõ ràng?
Ở đây có hai vấn đề. Một là, chuyện nhà đầu tư trong nước bán dự án cho nhà đầu tư nước ngoài. Hai là, cơ chế xin - cho trong khi làm thủ tục xin bổ sung quy hoạch.
Ở vấn đề thứ nhất, tôi cho rằng, đó là quyền của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Thị trường tự quyết định việc này. Cũng rất khó để biết được nguyên nhân của việc mua bán này. Có thể là do tình trạng xin-cho, hay do thủ tục hành chính phức tạp, nhưng cũng có thể là do một số nhà đầu tư Việt Nam gặp khó khăn về huy động vốn hoặc máy móc, thiết bị khi triển khai dự án.
Vấn đề chỉ đặt ra khi mà việc chuyển nhượng toàn bộ dự án các địa điểm nhạy cảm về an ninh quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng và cần có quy định pháp luật để xử lý các vấn đề an ninh liên quan đến quyền sử dụng đất và các dự án hạ tầng quan trọng.
Nhưng đối với vấn đề thứ hai thì rất đáng bàn. Tình trạng xin-cho khi bổ sung quy hoạch là có và đáng quan ngại. Tình trạng này gây nhiều hệ luỵ.
Thứ nhất, hiện tượng mất cân đối hệ thống điện. Như thời gian qua một số dự án điện mặt trời không thể phát hết công suất là một ví dụ điển hình. Chúng ta cho bổ sung quy hoạch dễ dãi, dẫn đến việc bổ sung dự án phát điện mặt trời vào quy hoạch, nhưng lại không bổ sung đường dây truyền tải cho tương ứng. Một trong những ý nghĩa quan trọng của quy hoạch điện lực là giúp cân bằng hệ thống, cân bằng giữa phát điện và phụ tải, cân bằng giữa nguồn và truyền tải. Thế nhưng việc xin-cho, dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch đã phá vỡ ý nghĩa này.
Thứ hai, cơ chế này tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Nếu như việc ban hành quy hoạch đòi hỏi quá trình xây dựng lâu dài, với nhiều bên tham gia, thậm chí còn được lấy ý kiến rộng rãi. Điều này giúp bảo đảm không ai có thể một mình quyết định được các dự án điện. Như vậy thì nguy cơ “nắn quy hoạch” để có lợi cho doanh nghiệp này, cho dự án kia sẽ thấp hơn, từ đó thì nguy cơ tiêu cực sẽ thấp. Nhưng với cơ chế điều chỉnh quy hoạch cục bộ, chỉ do một vài người ra quyết định, không có sự tham vấn, không lấy ý kiến rộng rãi thì là điểm đen cần được khắc phục.
Chúng ta biết là nhiều nước trên thế giới có luật chống tham nhũng tại nước ngoài và họ xử lý rất nghiêm. Chính vì thế mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể theo được quá trình xin điều chỉnh quy hoạch này của Việt Nam. Họ chỉ có cách là đi mua lại dự án của một bên khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tình trạng này cũng chỉ diễn ra với một số quốc gia. Khá nhiều quốc gia khác có trình độ phát triển thấp hơn không có luật chống tham nhũng ở nước ngoài, hoặc có nhưng xử lý không nghiêm.
Nghị quyết 18 và Quyết định 1855/QĐ-TTg đều ban hành năm 2007 đã bắt đầu khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào ngành điện. Thực tế đã có hàng loạt dự án BOT, nhà máy điện độc lập hay các đường dây từ nhà máy tới điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia của doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước được xây dựng. Theo ông, ở thời điểm hiện nay, việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào ngành điện có sự đột phá ra sao?
Một nhà đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực dự án lớn thường chỉ quan tâm 2 vấn đề. Một là lợi nhuận thế nào. Hai là rủi ro ra sao. Chúng ta nâng giá mua tại các dự án điện mặt trời, điện gió có thể giúp đẩy lợi nhuận của dự án lên và từ đó thu hút thêm đầu tư tư nhân. Nhưng nếu tăng giá mua điện lên sẽ dẫn đến hệ quả chi phí đó bị đẩy vào giá điện bán lẻ, và cuối cùng thì tạo gánh nặng cho nền kinh tế và người dân.
Có một cách khác tốt hơn là tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư dự án điện. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP chính là một cách để chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và Nhà nước, thậm chí giúp nhà đầu tư tránh được các rủi ro từ hành động đơn phương của Nhà nước.
Các điều khoản về bảo hộ đầu tư, xử lý khi có thay đổi pháp luật, bảo lãnh Chính phủ hay bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, giải quyết tranh chấp là cách để Nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, và từ đó giúp thu hút đầu tư tốt hơn.
Nhưng tôi cho rằng, cũng không nên nhìn vào PPP như một phép thần thông có thể hoá giải các vấn đề của đầu tư điện lực.
Những thách thức ở hình thức PPP này là gì, thưa ông?
Thứ nhất, rủi ro của dự án có thể đến từ nhiều hành động bất chợt, thiếu cân nhắc và kỷ luật không cao của một số cán bộ công chức từ mọi thành phần cơ quan nhà nước.
Từ những chuyện lớn như tăng các loại thuế phí đối với nguyên liệu than, dầu, khí, cho đến hành động nhũng nhiễu, tiêu cực của một vài cán bộ hải quan cũng có thể làm chậm chuỗi cung ứng nguyên liệu của nhà máy. Hay một sự tắc trách của cán bộ quản lý môi trường trong việc chậm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có thể khiến dự án bị chậm cả tháng trời.
Những vấn đề trên không bao giờ được đề cập trong các hợp đồng PPP và đương nhiên, nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro chứ không thể chia sẻ rủi ro đó với Nhà nước.
Từ góc độ của mình, nếu Nhà nước tăng cường kỷ luật công vụ đối với cán bộ, đơn giản hoá thủ tục hành chính hay quyền ban phát của các cơ quan nhà nước thì đó mới là giải pháp lâu dài để giảm rủi ro cho đầu tư tư nhân, không chỉ trong lĩnh vực điện mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Thứ hai, đầu tư PPP cũng có thể dẫn đến nguy cơ tiêu cực, đưa ra các điều khoản quá bất lợi cho một bên và dẫn đến nguy cơ chịu sự phản ứng tiêu cực từ phía người dân hoặc khách hàng sử dụng điện.
Thực tế thì điều này chưa diễn ra đối với các dự án điện lực, nhưng đã diễn ra đối với các dự án giao thông. Chính sự rủi ro từ việc các hợp đồng PPP bị người dân phản ứng đã khiến cho các nhà đầu tư tư nhân rất ngần ngại bỏ tiền vào lĩnh vực giao thông.
Lĩnh vực điện lực cũng cần hết sức thận trọng để tránh nguy cơ này. Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là cơ chế tham vấn, lấy ý kiến người dân hiệu quả trước khi quyết định dự án thì sẽ tránh được các phản ứng về sau.
Chuyện bán các dự án điện cho nước ngoài, theo ông có cần lưu ý điều gì không? Như hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại, vị trí địa điểm hay nguồn gốc nhà đầu tư do đây là các dự án năng lượng có liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia?
Đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan tâm. Tôi cho rằng, trong giai đoạn cấp phép ban đầu, chắc chắn các cơ quan Nhà nước sẽ rất thận trọng vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu thấy dự án hoặc nhà đầu tư có nguy cơ thì chắc chắn sẽ không cấp.
Tuy nhiên, chuyển nhượng dự án sau cấp phép lại là vấn đề khó. Hiện nay, Việt Nam chưa có đủ công cụ pháp lý để xử lý vấn đề các giao dịch chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần mà có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ở nhiều quốc gia khác, cơ quan nhà nước có thể công bố rõ danh mục các dự án, khu vực, lĩnh vực mà việc thực hiện các dự án đầu tư chỉ cho phép nhà đầu tư trong nước, hoặc hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Các giao dịch chuyển nhượng mà khiến dự án vượt quá các giới hạn trên đều được coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thiết nghĩ, Việt Nam cũng rất cần nghiên cứu và áp dụng các quy định tương tự nhằm bảo đảm an ninh quốc gia đối với các dự án quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận