Nam Từ Liêm (Hà Nội): Kịch bản trượt thầu và "miếng bánh" dành cho doanh nghiệp "thân quen"?
Nhiều gói thầu có quy mô, giá trị lớn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, nhưng kịch bản “tự trượt thầu” lại trùng khớp đến kỳ lạ. Không những thế, vốn đầu
Nhiều gói thầu có quy mô, giá trị lớn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, nhưng kịch bản “tự trượt thầu” lại trùng khớp đến kỳ lạ. Không những thế, vốn đầu tư công được tiết kiệm nhỏ giọt khiến dư luận hoài nghi?
Thời gian gần đây nhiều gói thầu có quy mô, giá trị lớn nhưng điểm chung tại nhiều gói thầu là sự xuất hiện số lượng nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) có năng lực hạn chế, hầu như không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí có nhà thầu “tự đánh trượt” bằng những lý do hết sức sơ đẳng, cùng với đó là hệ số tiết kiệm rất nhỏ... điều này khiến dư luận hoài nghi trước dấu hiệu dàn xếp để doanh nghiệp thân quen trúng thầu.
Đây cũng là câu chuyện diễn ra tại khá nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm mời thầu.
Đơn cử, tại Gói thầu số 7 thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ Trạm bơm Cầu Ngà đến Đại lộ Thăng Long. Có 3 nhà thầu tham dự nhưng 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) không hợp lệ gồm: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đức An và Công ty CP Nhân Bình.
Theo Quyết định số 5525/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND quận Nam Từ Liêm Nhà thầu duy nhất nộp HSDT hợp lệ và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xây dựng Đô thị Hòa Phú - Công ty CP Tập đoàn Đông Đô - Công ty CP Tư vấn đầu tư hạ tầng và Năng lượng điện - Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long.
Giá trúng thầu của Liên danh là 94,095 tỷ đồng, giảm 0,2% so với giá gói thầu. Điều đáng nói, cả 2 nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ tại Gói thầu số 7 đều là những nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trúng thầu, đã từng thi công nhiều gói thầu quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Nhân Bình tiếp tục tham dự thầu tại Gói thầu số 7 thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Vũ Quỳnh đến đường Lê Đức Thọ - Phạm Hùng (đoạn sau khu Trung tâm thể thao dưới nước).
Một lần nữa Công ty CP Nhân Bình lại trượt thầu cùng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam với lý do nộp HSDT không hợp lệ. Điều này đã tạo điều kiện cho Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam - Công ty CP Xây dựng đô thị Hòa Phú - Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long - Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Hà Nội trúng thầu. Giá trúng thầu của Liên danh nhà thầu này là 110,365 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,07%).
Ngoài ra, vào tháng 11/2019, tại Gói thầu số 7 thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối huyện Hoài Đức và quận Nam Từ Liêm từ trục trung tâm Khu đô thị Vân Canh với đường Trần Hữu Dực quận Nam Từ Liêm và đường vành đai 3, cũng có 3 nhà thầu nộp HSDT. Trong đó 2 nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ gồm: Công ty CP Xây dựng Hà Phương Nam và Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư xây dựng Trung Thành - Công ty CP Cơ điện và Công nghệ EMC. Nhờ đó, Liên danh Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long - Công ty CP Xây dựng đô thị Hòa Phú đã trúng thầu với giá 24,618 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,1%).
Tại Gói thầu số 7 thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường nối từ Trường THCS Nam Từ Liêm đi Quốc lộ 32 (đoạn hết địa phận quận Nam Từ Liêm). Theo đó, 2 nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển kiến trúc đô thị, Liên danh Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Cường Thịnh - Công ty CP Công trình giao thông 18.
Nhà thầu duy nhất nộp HSDT hợp lệ, trở thành nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xây dựng đô thị Hòa Phú - Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long - Công ty CP Công nghệ và xây dựng giao thông. Giá trúng thầu là 71,954 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,07%).
Tại các dự án trên, hầu hết các doanh nghiệp trượt lại do các lỗi sơ đẳng: HSDT không hợp lệ. Trong khi đó, nhiều nhà thầu "trượt" này lại tỏ ra rất kinh nghiệm và thường trúng thầu thi công nhiều gói thầu tương tự có quy mô hàng trăm tỷ đồng ở nơi khác.
Ngoài những gói thầu trên, rất nhiều các gói thầu khác có sự xuất hiện Công ty CP Xây dựng Đô thị Hòa Phú, Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long…là đơn vị trúng thầu, điểm chung các gói thầu đều có tiết kiệm rất thấp.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với PV, Ông Phùng Ngọc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết: “Hoạt động đấu thầu công khai, rộng rãi nên tất cả các nhà thầu đều tham gia đấu thầu, chúng tôi thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu, không thể có sự khuất tất. Tất cả các nhà thầu khi tham gia đấu thầu nếu cảm thấy quyền lợi của mình tham gia thầu không đảm bảo tự do, công khai, minh bạch thì đã ý kiến lên”.
Theo ông Sơn, một số gói thầu chưa xây lắp, hiện nay vẫn đang tiến hành giải phóng mặt bằng, trong tháng 4, tháng 5 sẽ triển khai thi công. Về góc độ chủ đầu tư, sau khi trúng xong sẽ có tư vấn giám sát, các đơn vị triển khai theo tiến độ đề ra theo đúng quy định. Nếu như đơn vị không thực hiện đúng theo hồ sơ thầu về tiến độ, chất lượng chủ đầu tư sẽ có ý kiến để thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng yêu cầu.
“Hãy để đến giai đoạn thi công đơn vị họ làm xem có đảm bảo tiến độ ,chất lượng hay không, vệ sinh môi trường… rất nhiều vấn đề khi triển khai, đối với bất kỳ dự án nào cũng như vậy” - ông Sơn cho hay.
Theo các chuyên gia pháp lý về đấu thầu cho rằng, việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ tuyệt đối pháp luật về đấu thầu. Hoạt động này cần phải được kiểm soát, giám sát thường xuyên, minh bạch để đảm bảo chủ đầu tư và nhà thầu tuân thủ tuyệt đối pháp luật về đấu thầu, đầu tư công.
Hoạt động kiểm tra, giám sát giúp cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện các sai phạm (nếu có) để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ là cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất để ngăn chặn, phát hiện việc trục lợi, lợi ích nhóm (nếu có) thông qua hoạt động đấu thầu, chọn nhà thầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận