Nam Long NLG: Lợi nhuận giảm sút, hàng tồn kho lớn, nợ trái phiếu tăng cao
Mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nam Long tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận NLG lại đi xuống, trong khi hàng tồn kho chiếm 2/3 tổng tài sản.
CTCP Đầu tư Nam Long (MCK: NLG, HoSE) vừa công bố Báo cáo tài chính Quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần của NLG đạt 882 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ năm trước. Song giá vốn cũng tăng mạnh từ 74 tỷ đồng lên 524 tỷ đồng.
Ngược lại, do doanh thu tài chính giảm sâu 92,2% xuống còn 29 tỷ đồng (do cùng kỳ Công ty phát sinh khoản lãi từ việc mua CTCP Southgate), trong khi, chi phí tài chính tăng mạnh 158% lên gần 48 tỷ đồng. Kết quả, NLG báo lãi sau thuế quý 3/2022 đi lùi hơn 82% so với cùng kỳ về còn gần 51 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, NLG mang về 2.710 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 244% so với cùng kỳ; 276 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt, giảm 61% so với cùng kỳ. Theo đó, NLG mới chỉ thực hiện được 38% chỉ tiêu doanh thu và 21,1% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản NLG đạt 25.526 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu lại giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho lớn với 16.105 tỷ đồng chiếm hơn 63% tổng tài sản. Trong đó các bất động sản dở dang tập trung lớn nhất ở 4 dự án Izumi (7.523,4 tỷ đồng), Southgate (3.622,3 tỷ đồng); Paragon Đại Phước (2.027,2,5 tỷ đồng); Waterpoint (1.427,1 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Nam Long Group đã thế chấp hàng loạt tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phát sinh từ các dự án do doanh nghiệp đầu tư cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank)…
Nợ phải trả của Nam Long Group lại tăng gần 25% so với đầu năm. Cụ thể, tính đến 30/9/2022, nợ phải trả của NLG ở mức 12.604 tỷ đồng, trong đó nợ ngắ hạn là 8.196 tỷ đồng, còn nợ dài hạn 4.408 tỷ đồng.
Ngoài ra, NLG cũng ghi nhận 3.820 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn. Đây là các khoản ứng trước từ khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà phố, biệt thự và đất nền nhưng chưa nhận bàn giao.
Chủ nợ lớn nhất của Nam Long Group là Ngân hàng OCB với gần 463 tỷ đồng khoản nợ ngắn hạn và 649 tỷ đồng khoản dài hạn.
Đứng sau Ngân hàng OCB là Ngân hàng Mizuho với khoản vay 240 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcomank) với 212 tỷ đồng dài hạn. Ngoài ra, Nam Long Group còn vay Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh TP.HCM 90 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank) gần 90 tỷ đồng; Ngân hàng Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (Overseas Bank) gần 55 tỷ đồng.
Nam Long Group cũng vay 3 cá nhân khác là bà Phan Thị Thu Hiền (130 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Thu Hương (100 tỷ đồng) và bà Phan Thị Thu Thủy (50 tỷ đồng).
Tính đến 30/9/2022, dư nợ trái phiếu của Nam Long Group đang ở mức 2.560 tỷ đồng, các lô trái phiếu có lãi suất từ 6,5 – 10,5%/năm.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 10/10, Chủ tịch HĐQT Nam Long ông Nguyễn Xuân Quang cùng các bên liên quan đã đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu NLG theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 14/10 - 12/11.
Động thái mua thêm cổ phiếu của nhóm cổ đông nhà Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu NLG đang rơi về vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Những ngày qua, cổ phiếu NLG được giao dịch ở mức 21.000 – 26.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với vùng giá đỉnh 64.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận