Năm công ty thẩm định giá tiếp tay vụ chiếm đoạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng tại một ngân hàng như thế nào?
Để chiếm đoạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng tại SCB, Trương Mỹ Lan đã sử dụng nhiều cách thức, một trong số đó là 5 công ty thẩm định giá thổi phồng tài sản để "rút ruột" ngân hàng...
Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an), quá trình này có sự tiếp tay của 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 công ty thẩm định giá gồm Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC. Các đối tượng này có hành vi thông đồng, giúp sức cho các đối tượng của nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn VTP tạo lập hồ sơ vay vốn khống tại ngân hàng SCB.
THỒI PHỒNG TÀI SẢN BẢO ĐẢM VÀ TÀI SẢN KHÔNG ĐỦ PHÁP LÝ
Ngoài việc sử dụng các công ty “ma” và thuê/nhờ các cá nhân đứng tên, lập các phương án vay vốn khống, để rút được tiền tại ngân hàng SCB, nhóm người ở SCB đã dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần, sử dụng rút vốn vay của ngân hàng SCB.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách ngân hàng SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân (đơn vị được Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ định) chỉ định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách phân bổ toàn bộ là 643.029 tỷ đồng thì giá trị định giá lại được phân bổ là 244.805 tỷ đồng (bằng 38% giá trị tài sản đảm bảo đã được định giá trước đó).
Có 440/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách ngân hàng SCB ghi nhận, phân bổ là 622.476 tỷ đồng (tính theo giá trị phân bổ theo Hợp đồng thế chấp/cầm cố thì giá trị sổ sách phân bổ lại là 605.727 tỷ đồng) nhưng Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá nổi vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…
Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là Dự án Mũi Đèn Đỏ.
Cụ thể: Ngân hàng SCB đã giải ngân 100 khách hàng/137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỷ đồng, trong đó gốc 107.923 tỷ đồng, lãi 26.317 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn VTP tại ngân hàng SCB. Tài sản bảo đảm trên sổ sách là 584.487 tỷ đồng. Trong đó, tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỷ đồng; quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng; các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỷ đồng.
Hơn một nửa mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP không đủ pháp lý nhưng vẫn được các công ty thẩm định giá tiếp tay nâng khống giá trị...
Tuy nhiên, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá trị 22.003 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được (vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng); quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng; các bất động sản khác là 3.686 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định trong tổng số 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay trong thời gian từ ngày 01/01/2012 đến ngày 7/10/2022, có 517/1.166 mã tài sản có đủ pháp lý được Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 và ngân hàng SCB có đủ pháp lý (đủ điều kiện để trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm), phân bổ theo tờ trình và/hoặc hợp đồng thế chấp/cầm cố là giá trị hơn 179.195 tỷ đồng. Tổng nghĩa vụ nợ của các khoản vay thuộc nhóm Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát là 677.286 tỷ đồng. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can nên cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại 498.090 tỷ đồng.
HOÁN ĐỔI RÚT TÀI SẢN ĐẢM BẢO CÓ PHÁP LÝ, CÓ GIÁ TRỊ ĐỂ BÁN NHẰM RÚT RUỘT NGÂN HÀNG SCB
Ngoài thủ đoạn rút ruột ngân hàng SCB bằng tiền, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các đối tượng rút ruột ngân hàng SCB bằng việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi ngân hàng SCB để sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan – Tập đoàn VTP.
Kết quả điều tra xác định trong số 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn VTP có 240 tài sản bảo đảm/430 khoản vay bị hoán đổi tài sản bảo đảm (trong đó có nhiều khoản vay hoán đổi tài sản nhiều lần, nhiều nhất là 12 lần). Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trị trên sổ sách là hơn 487.451 tỷ đồng nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm đến nay giá trị trên sổ sách là hơn 351.848 tỷ đồng. Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng giá trị hơn 108.109 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2022).
Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi thì có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của ngân hàng SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu, chẳng hạn: Toà nhà Sherwood Residnet tại 127 Pasteur, Toà nhà 66 Phó Đức Chính, TP. Hồ Chí Minh; đã được kê biên trong vụ án), cũng có nhiều tài sản đã chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài không thể tiến hành kê biên, phong toả được.
HÉ LỘ SỐ TIỀN CÁC CÔNG TY THẨM ĐỊNH GIÁ NHẬN ĐƯỢC
Theo kết luận điều tra, Lê Huy Khánh, Giám đốc Công ty Tầm Nhìn mới ký 2 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 3 khoản vay khống.
Lê Huy Khánh cho biết để được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá, Khánh đã liên hệ với những cá nhân có thẻ thẩm định viên về giá, đưa vào danh sách nhân viên của Công ty Tầm Nhìn mới.
Lê Huy Khánh thừa nhận giả chữ ký của thẩm định viên để in, phát hành báo cáo, chứng thư thẩm định giá cho SCB mà không hề tiền hành thẩm định. Toàn bộ nội dung của các chứng thư thẩm định giá đều do phía SCB chuẩn bị. Qua việc ký ban hành các chứng thư thẩm định giá, Lê Huy Khánh được đầu mối bên SCB thanh toán khoảng 100 đến 200 triệu đồng.
Hồ Bình Minh, Phó Giám đốc Công ty MHD ký 1 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 3 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan rút tiền của ngân hàng SCB sử dụng. Đến ngày 17/10/2022 không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng 15.523 tỷ đồng (nợ gốc 14.570 tỷ đồng và nợ lãi hơn 1.422 tỷ đồng).
Đỗ Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Công ty DATC ký 1 chứng thư hợp thức việc định giá tài tài sản bảo đảm cho 4 khoản vay. Đến ngày 17/10/2022 không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 4.628 tỷ đồng (gốc và lãi). Đỗ Xuân Nam khai mới được thanh toán 100 triệu đồng phí thẩm định giá…
Trần Kim Ngân (Giám đốc) và Trần Tuấn Hải, Thẩm định viên Công ty Thiên Phú thông đồng tạo lập, ký 2 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 65 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan rút tiền ngân hàng SCB sử dụng, đến ngày 17/10/2022 không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 127.384 tỷ đồng.
Không rõ số tiền mà Ngân và Hải nhận được là bao nhiêu, song, tại Cơ quan điều tra, Trần Văn Nhị - Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC (là người môi giới Công ty Thiên Phú thẩm định giá tài sản cho SCB) thừa nhận được hưởng từ 1 đến 2 tỷ đồng tiền hoa hồng từ việc môi giới thẩm định giá tài sản cho ngân hàng SCB.
Nhị là trung gian nhận thông tin, chuyển gia kết quả giữa ngân hàng SCB và các công ty thẩm định giá. Nhị nhận báo cáo, chứng thư thẩm định giá từ Trần Thị Kim Ngân và giao trực tiếp cho Bùi Ngọc Sơn (người của SCB), nhận thanh toán tiền mặt.
Tất cả 7 bị can thuộc nhóm công ty thẩm định giá đề bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận