Năm Canh Tý 2020, Tiền Giang kỳ vọng có thêm nhiều đột phá
Đối với Tiền Giang – tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực sông Tiền, năm Canh Tý 2020 đến với nhiều cơ hội và kỳ vọng có thêm những đột phá, đổi thay.
Năm 2020, theo nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Tiền Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7-7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% GRDP, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11.125 tỷ đồng, số doanh nghiệp thành lập mới từ 650 đến 700 doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh giải quyết việc làm cho trên 19.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 51%, thêm 25 xã, 2 đô thị, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%…
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ 2016 – 2020, Tiền Giang nỗ lực bứt phá làm tiền đề cho nhiệm kỳ mới 2021 – 2025. Quan trọng là tỉnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm mục tiêu cùng với cả nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững.
Ngay từ đầu năm, tỉnh siết chặt công tác quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách thông qua tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra chống tiêu cực trong chi tiêu ngân sách; tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Mặt khác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Để tạo đột phá trên các lĩnh vực trọng yếu, công tác quy hoạch, cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng được coi là một trong những động lực. Địa phương huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, gắn giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển nhanh các ngành kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh hơn nữa tiến độ triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, tái cấu trúc ngành công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm chủ lực.
Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 13-Ctr/TU ngày 21/2/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.
Tỉnh cũng quan tâm đưa ra các giải pháp hữu hiệu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các nhóm chỉ tiêu xếp hạng thấp, tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn Đảng bộ, quân và dân Tiền Giang. Với mong muốn có những đột phá, đổi thay mạnh mẽ, địa phương chú ý phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, có giải pháp thích hợp và hữu hiệu phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh mà các mũi nhọn là du lịch, phát triển đô thị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cấu trúc ngành công nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tiền Giang chú trọng cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông để thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng thời triển khai nhanh các Dự án Vùng sản xuất lúa, rau ứng dụng công nghệ cao; các dự án về chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ; thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản…
Đối với lĩnh vực công nghiệp – thương mại, tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang, Đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp và các chương trình, đề án liên quan đến phát triển công nghiệp; tích cực mời gọi đầu tư và đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tỉnh tập trung tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính, uy tín, kinh nghiệm đầu tư, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chú trọng thu hút những nhà đầu tư hội tụ các ưu điểm: Đủ năng lực tài chính, sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến, ít sử dụng lao động, thân thiện với môi trường,… Ngoài ra, tỉnh chú trọng gắn phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân…
Để đạt các mục tiêu trong năm Canh Tý 2020, lập công dâng Đảng, dâng Bác, Tiền Giang xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Quan trọng là tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển gắn với ứng dụng công nghệ thộng tin, thực hiện chính quyền số, hệ thống thư điện tử, hệ thống phẩn mềm quản lý văn bản và điều hành các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến…
Ngày 31/12/2019, Tiền Giang đã ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ hiện đại, bao gồm hệ thống phần mềm một cửa điện tử; hệ thống thông tin hướng dẫn; màn hình cảm ứng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ; hệ thống lấy số chờ phục vụ; hệ thống camera giám sát và các dịch vụ miễn phí khác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, trung tâm là đầu mối tiếp nhận trên 1.400 thủ tục hành chính của 19 cơ quan, đơn vị trong tỉnh Tiền Giang. Việc đưa vào sử dụng Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như đăng ký thành lập doanh nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp… đồng thời cung cấp thông tin và giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính.
Tỉnh kỳ vọng, Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động, năm 2020 cải cách hành chính sẽ có những khởi sắc mới, đáp ứng nguyện vọng nhân dân về một nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển, là động lực phát triển kinh tế - xã hội trước cơ hội cuộc cách mạng khoa học – công nghệ mang lại. Đó cũng chính là tiền đề giúp địa phương đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, thúc đẩy guồng máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội đi lên vững chắc.
Nhìn lại năm Kỷ Hợi 2019 vừa qua, Tiền Giang cũng đã giành được những thành quả xuất sắc trên các lĩnh vực nhờ có chủ trương đúng, giải pháp hay. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Nhiều chỉ tiêu vượt cao. Cụ thể như thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tăng 4,2 triệu đồng so năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu 3,05 tỷ USD, tăng 6,5% so năm 2018; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.260 tỷ đồng, tăng 27,6% so năm 2018; có 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,1% so năm 2018; thêm 32 xã ra mắt xã nông thôn mới, tăng 9 xã so với nghị quyết đề ra,...
Tỉnh đúc kết được nhiều kinh nghiệm quí trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, từ thành quả tốt đẹp năm qua để năm Canh Tý 2020 tiếp tục bứt phá ngoạn mục đi lên trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh; xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng, quê hương của những chiến thắng lẫy lừng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước như: Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược trên sông Tiền, Chiến thắng Ấp Bắc bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận – thiết xa vận của kẻ thù Mỹ Ngụy…
Tối giao thừa, để đánh dấu thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, Tiền Giang đồng loạt bắn pháo hoa tại 6 điểm ở các huyện, thành, thị từ nguồn xã hội hóa. Khi những quả pháo nổ vang trời tung ra muôn màu nghìn tia nhuốm đỏ bầu trời thì các tụ điểm hội xuân trên khắp địa bàn tỉnh, từ thành thị đến các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh đông nghịt người vui xuân, trẩy hội.
Bác Trần Văn Chỏi, một cán bộ hưu trí ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, quê hương Chiến thắng Ba Rày lẫm liệt ngày 15/9/1967, cùng con cháu hòa vào dòng người chơi Tết. Bác Trần Văn Chỏi phấn khởi bày tỏ: Ai cũng vui mừng khi thấy mùa xuân về mang theo bao nhiêu niềm vui và cảm hứng sáng tạo, khát khao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng bởi các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đang thực sự đi vào đời sống. Điều đó chính là cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng Xuân Canh Tý 2020 ở Tiền Giang thực sự hơn hẳn mấy xuân qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận