24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Vương.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Năm 2024 khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023?

CEO WiGroup khuyến nghị, sang năm 2024, nhà điều hành cần phải linh hoạt, duy trì chính sách cân bằng, không nới lỏng cũng không hẳn thắt chặt.

Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn thấp so với cùng kỳ và thấp nhất trong 10 năm qua.

Tại toạ đàm “Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý IV/2023", chiều 10/10, ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy nước ta chỉ nới lỏng về chính sách nhưng vốn không ra được, do vậy nền kinh tế phục hồi tương đối chậm.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tuy nhiên kinh tế chưa kịp phục hồi, dẫn đến tỉ giá bắt đầu căng thẳng.

Nguyên nhân cốt yếu của tình trạng này, theo ông Báu là do sự chênh lệch về lãi suất mà dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam tương đối mạnh, để duy trì được cán cân tổng thể phải nhờ thặng dư thương mại.

Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý đè nặng vì thời điểm này năm ngoái tình hình tỉ giá cũng căng thẳng. Theo đó, ông Báu dự báo áp lực của tỉ giá vào cuối năm nay và năm sau sẽ lớn hơn giai đoạn 2023.

"Bởi thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu do nhập khẩu lại đang có chiều hướng giảm mạnh. Khi xuất khẩu gặp khó, nước ta có xu hướng giảm nhập khẩu và sử dụng hàng tồn kho trong nước để sản xuất.

Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất trở lại nhập khẩu cũng sẽ phục hồi, khi đó thặng dư thương mại không còn tốt như bây giờ. "Sợi dây" lớn nhất để giữ tỉ giá ổn định cũng không còn chắc chắn như trước", ông Báu nhìn nhận.

Năm 2024 khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023?
Ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup.

Vị chuyên gia cũng lưu ý về sự chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, điều này sẽ tạo áp lực của tỉ giá vào cuối năm 2023 và năm 2024.

Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, ông cũng cho rằng lạm phát cuối năm 2023 có thể ở mức 3,46% đạt mục tiêu của Chính phủ. Nhưng sang tháng 1- 2/2024, lạm phát Việt Nam có thể vọt lên 4,6%, 4,7% - vượt xa con số trung bình các năm trước. Do đó, với diễn biến tỉ giá và lạm phát như vậy, NHNN khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023.

CEO của WiGroup cũng nhận định, trong năm 2024, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể sẽ không được tốt như năm 2023.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn tín dụng nhất là trong khi các thị trường khác đều đang gặp khó, mà muốn phục hồi sản xuất bắt buộc tín dụng tăng trưởng trở lại. Ông cho rằng, muốn nhìn được sản xuất phục hồi cần quan sát câu chuyện tăng trưởng tín dụng, huy động vốn vào giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

Năm 2024 khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023?
Sự chênh lệch lãi suất đẩy áp lực căng thẳng.

Do đó, nhà điều hành cần phải linh hoạt, duy trì chính sách cân bằng, không nới lỏng cũng không hẳn thắt chặt. Cụ thể, duy trì chính sách lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng đủ tốt nhằm hỗ trợ kinh tế. Nhưng ở thị trường thứ cấp vẫn phải “nhấc” nền lãi suất liên ngân hàng lên khoảng 2-4% để hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và tỉ giá không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính sách nới lỏng.

Chuyên gia cho biết nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào hai lĩnh vực là xuất khẩu và bất động sản. Triển vọng kinh tế của những đối tác xuất khẩu chính như EU, Mỹ vẫn tiếp tục xấu trong năm 2024. Do đó, khó có thể mong chờ vào khu vực tiêu dùng nước ngoài.

Trong khi đó, tình hình tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản và thị trường này lại liên quan đến các vấn đề pháp lý. Ông Báu dự báo phải đến cuối năm 2024 bất động sản mới có sự phục hồi rõ nét. Như vậy, nhìn tổng thể, chưa thể kỳ vọng nền kinh tế năm sau sẽ bứt tốc mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả