Năm 2024, có thể giải ngân 670.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Theo Chứng khoán Rồng Việt, đơn vị này kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2024 có thể hoàn thành hơn 86% kế hoạch.
Giải ngân vốn còn chậm
Ngày 7/8, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) công bố chuyên đề vĩ mô “Việt Nam: Giữ nhịp tăng trưởng” với những con số đáng chú ý về giải ngân vốn đầu tư công.
Theo VDS, trong 7 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 245.000 tỷ đồng, tương đương 31,6% kế hoạch, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công tăng tốc mạnh trong quý 1 (tăng 19,7%) nhưng lại giảm mạnh trong quý 2 (giảm 28%) và chưa có dấu hiệu cải thiện trong tháng 7/2024.
Cũng theo VDS, đầu năm, đơn vị này kỳ vọng vào việc giải ngân tại các dự án quan trọng ở TP.HCM và Hà Nội như Vành đai 3 (TP.HCM) và Vành đai 4 (Hà Nội). Tuy nhiên, tốc độ giải ngân tại các dự án này còn khá chậm, chỉ đạt 13,4 - 13,5 kế hoạch trong 6 tháng đầu năm.
"Hiện tại, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và vật liệu đắp nền đang được đốc thúc. Cùng với đó, tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 vẫn đang tích cực (hoàn thành 46,8% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm). Do đó, chúng tôi kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm nay có thể hoàn thành được hơn 86% tổng kế hoạch, quy mô ước đạt 670.000 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với năm 2023", Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Giải ngân vốn đầu tư công đang khá chậm. (Ảnh: VDS)
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dù giải ngân đầu tư công đang không mấy bứt phá nhưng bù lại có vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đang cải thiện. Vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài đã tăng 4,3% trong quý 1 và tăng 7,9% trong quý 2/2024.
Còn theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7 ước đạt hơn 232.000 tỷ đồng, đạt khoảng hơn 32% kế hoạch và đạt hơn 34% kế hoạch Thủ tướng giao.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 7 tháng qua, chỉ có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (53,95%), Bộ Giao thông Vận tải (50,83%), Bộ Xây dựng (47,91%), Thanh Hóa (58,45%), Hòa Bình (56,79%), Long An (52,22%).
Tuy nhiên, vẫn còn 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam. Nguyên nhân là do chưa phân bổ kế hoạch vốn.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia TP.HCM (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%)… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như TP.HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%).
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, việc một số địa phương như TP.HCM được giao hơn 79.263 tỷ đồng, TP Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Vướng mắc từ chính sách?
Theo Bộ Tài chính, việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án dẫn đến việc không thể giải ngân; các dự án trọng điểm giao thông còn gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 về giải ngân vốn đầu tư công và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán...) để các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành sửa đổi, bổ sung, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận