Năm 2022 có thể tiếp tục là năm thắng lớn với OPEC+
Năm 2021 là năm thách thức đối với OPEC+, khi giá dầu phục hồi, tạo ra ham muốn mà các nước sản xuất, xuất khẩu dầu thô rất khó cưỡng lại.
Tuy nhiên, các nước thành viên OPEC+ đã hành động kiểm chế, từ chối tăng nhanh sản lượng khi giá dầu tăng phi mã trên toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới hướng đến xu hướng kinh tế xanh, giới chức OPEC+ cảnh báo quá trình chuyển dịch năng lượng nếu không được quản lý tốt có thể sẽ rất đến đầu tư dưới chuẩn cho ngành dầu mỏ, khí đốt và đẩy giá dầu tăng cao.
Trong hai năm qua, OPEC+ đã có nhiều quyết định bất ngờ. Khởi đầu, tổ chức này bị chia rẽ ở thời điểm đại dịch chớm bùng phát, khi hai “thủ lĩnh” hàng đầu là Saudi Arabia và Nga đối đầu nhau do khác biệt quan điểm về cách thức xử lý khủng hoảng. Hai “ông lớn” này sau đó đã làm hòa, đưa đến việc cả khối đồng thuận cắt giảm sản lượng ở mức sâu kỉ lục nhằm đối phó với mức cầu tiêu thụ sụp đổ. Nói tóm lại, năm 2020 là năm ra chưa có tiền lệ.
Nhưng năm 2021 cũng không khác mấy. Đó cũng là một năm thách thức với OPEC+ khi giá dầu bắt đầu phục hồi, tạo ra ham muốn mà các nước sản xuất, xuất khẩu dầu thô rất khó cưỡng lại, nhất là những nước có nguồn thu phụ thuộc vào dầu mỏ ở vùng Vịnh và châu Phi. Nhưng cuối cùng, cả khối cũng lại đạt đồng thuận về kế hoạch chỉ tăng mức sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/tháng
Kế hoạch này vẫn đang được triển khai, ít nhất là cho tới hết tháng 1/2022, khi OPEC+ xem xét xu hướng mà giới phân tích cho là có nguy cơ dư thừa nguồn cung tại cuộc gặp dự kiến diễn ra trong ngày 4/1. Giới chức hữu quan của OPEC+ không nghĩ vậy, họ cho rằng tác động mà biến thể Omicron gây ra đối với mức cầu tiêu thụ dầu thô ở mức hạn chế và chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, chính tổ chức này trong hai năm qua cũng đã chứng minh rằng cần có sự cẩn trọng nhất định.
Tính rộng ra, OPEC+ đã trải qua 5 năm đầy thách thức, khởi đầu là từ quyết định giảm sản lượng để đối phó với bùng nổ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Thách thức đối với hợp tác nội khối là điều khó tránh khỏi, khi các nước thành viên theo đuổi những ưu tiên khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp OPEC+ cũng đã biết cách vượt qua, dù “đường đi” đôi khi cũng không bằng phẳng, đơn cử như việc Iraq phá rào tăng sản lượng vượt hạn ngạch và phải chịu sự trừng phạt từ khối. Chính điều này giúp OPEC+ có được sức kháng cự bền vững hơn với các cú sốc trong tương lai.
Giới phân tích nhận định thách thức đầu tiên mà OPEC+ có thể gặp phải là tình trạng dư cung. Tuy nhiên, nguy cơ này không quá lớn, bởi nếu có cũng chỉ là tạm thời và sẽ hết ngay sau khi sóng lây nhiễm Omicron qua đi. Tác động của dịch bệnh giờ cũng không thể dữ dội như trước, bởi một lý do rất thực tế: Chính phủ các nước sẽ không thể chịu được một làn sóng đóng cửa mới.
Thách thức lớn hơn được giới quan sát trong ngành dầu khí và các nước OPEC+ chỉ ra chính là tình trạng sản lượng tiềm năng còn dư thừa đang suy giảm. Theo Cục thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA), công suất khai thác còn dư của OPEC+ có thể giảm xuống mức 5,11 triệu thùng vào cuối quý 4 năm 2022, giảm mạnh so với mức 9 triệu thùng trong quý đầu năm 2021. Theo định nghĩa của USEIA, công suất khai thác còn dư là tổng sản lượng dầu có thể bắt tay vào khai thác ngay sau 30 ngày với thời hạn khai thác ít nhất là 90 ngày.
Với số giếng dầu khai thác giảm sút, Nga hiện ở sát ngưỡng sản lượng tiềm năng, với mức 10,9 triệu thùng/ngày. Công suất khai thác còn dư vì thế sẽ chủ yếu nằm trong OPEC, mà cụ thể là các nước xuất khẩu dầu Trung Đông. Nhưng việc duy trì ngay cả mức công suất này cũng không dễ, bởi cần có duy tu, bảo dưỡng, đầu tư. Trong khi đó, việc gọi vốn đầu tư vào ngành dầu mỏ giờ không dễ.
“Chúng ta đang tiến đến một giai đoạn có thể nói là nguy hiểm nếu như không duy trì mức đầu tư hợp lý cho năng lượng. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về viễn cảnh thế giới có thể thiếu hụt năng lượng nếu như quá trình chuyển đổi năng lượng không được quản trị một cách thận trọng”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu hồi đầu tháng 12/2021.
Điều này có nghĩa là thế giới sẽ phải trải qua thêm một vài năm sóng gió về an ninh năng lượng. OPEC+ ngược lại có thể sẽ là bên thu lợi lớn khi nguồn cung dầu thô vẫn căng thẳng vì những nguyên nhân rất cơ bản. Đương nhiên, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một cú sốc nữa về nguồn cầu gắn với đột biến liên quan đến Covid-19. Nhưng chính OPEC+ đã trải qua cú sốc trước đó và đã làm tốt phần việc của mình. OPEC+ sẽ vượt lên và thậm chí ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận