menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Năm 2021: Xuất nhập khẩu sẽ xác lập kỷ lục mới

Sau 2 năm đạt mốc kỷ lục 500 tỷ USD, năm 2021, xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục vượt mốc 600 tỷ USD. Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khi trao đổi với phóng viên.

Thưa ông, sau hơn 10 tháng năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Như vậy, mục tiêu 600 tỷ USD cho xuất nhập khẩu cả năm nay có khả năng về đích hay không?

Tại thời điểm này, có thể dự báo, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là thành tựu rất lớn bởi năm 2021, chúng ta chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 với biến thể delta. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.

Việc thực thi hai hiệp định CPTPP và EVFTA đã tạo những thuận lợi như thế nào đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua, thưa ông?

Qua 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà chúng ta chưa từng ký FTA. Ví dụ như nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm.

Với thị trường EU, trước đây, chúng ta đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng EVFTA đang mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, bởi GSP là cơ chế mang tính đơn phương và sẽ bị rút lại theo thời gian, khi nền kinh tế phát triển hơn. Nhưng với EVFTA, đây là cam kết song phương và những ưu đãi có giá trị tồn tại lâu dài, cả hai bên cùng thực hiện. Do đó, về lâu dài, giá trị EVFTA mang lại rất lớn.

Hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, là tỷ lệ rất đáng kể. Con số còn lại, không phải là hàng hóa của chúng ta không được cấp C/O sẽ không được ưu đãi, mà nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện nay có thuế suất rất thấp nhờ vẫn đang được hưởng GSP nên một số trường hợp, doanh nghiệp không cần xin mẫu C/O EUR1.

Bên cạnh đó, hiện, các lô hàng xuất khẩu sang EU trị giá dưới 6.000 Euro, doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đây cũng là thuận lợi lớn giúp các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để xin cấp C/O mà vẫn được ưu đãi về thuế.

Còn khoảng hơn một tháng nữa để hoàn thành mục tiêu cả năm, song dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp. Vậy theo ông, đâu là những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và chúng ta cần làm gì để có thể đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cho cả năm nay?

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, trước tiên, là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất do tình trạng thiếu lao động.

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa, chúng ta đã đưa ra quan điểm thích ứng để sống chung, an toàn cùng dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 chưa hết hẳn nên các địa phương vẫn phải áp dụng những biện pháp chống dịch. Điều này gây tâm lý bất an cho doanh nghiệp, nếu như các địa phương không tuân thủ triệt để Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; có những biện pháp chống dịch vượt quá phạm vi, quá mức độ cần thiết và gây tâm lý ảnh hưởng cho các doanh nghiệp cũng như niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, chúng ta cũng hy vọng, với Nghị quyết 128 và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất để duy trì sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại