Năm 2020, giá vàng sẽ tăng tiếp?
Phần lớn giới phân tích ở các ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 sau khi chứng kiến đợt tăng giá mạnh nhất của kim loại quí này kể từ năm 2010.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 27-12, giá vàng tương lai giao tháng 2-2020 tăng 3,7 đô la Mỹ (0,2%) lên mức 1.518,1 đô la/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 24-9.
Trong năm nay, vàng đã tăng giá 18,5%. Như vậy, giá vàng đang có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2010 chủ yếu nhờ chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn ra gay gắt.
Giá vàng vẫn nhích lên dù hôm 25-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông sẽ sớm ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong một báo cáo công bố tuần qua, Ngân hàng ANZ dự báo vàng có thể tiếp tục tăng giá ổn định trong năm sau và lập đỉnh cao mới 1.620 đô la/ounce vào tháng 12-2020.
Báo cáo cho rằng, đồng đô la Mỹ có khả năng giảm nhẹ và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể chỉ tăng nhẹ vào năm sau, do vậy vàng sẽ có cơ hội vượt qua mốc 1.600 đô la/ounce trong năm 2020.
Nhà chiến lược hàng hóa cao cấp của ANZ, Daniel Hynes, nhận định: “Các kim loại quí có cơ hội tốt để tăng giá vượt trội so với nhiều hàng hóa khác trong năm thứ hai liên tiếp”.
Báo cáo của ANZ nhận định tình trạng giảm đô la hóa và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu sẽ là các động lực chính giúp vàng duy trì đà tăng giá.
“Dù các bất ổn liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) đã lên mức đỉnh điểm trong năm 2019, chúng tôi tin rằng các rủi ro kinh tế vĩ mô và địa chính trị sẽ tiếp tục gia tăng vào năm sau. Các đề xuất giảm tình trạng đô la hóa trên toàn cầu chắc chắn khiến nhu cầu mua vàng của giới đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ”, các nhà chiến lược của ANZ viết trong báo cáo.
Theo báo cáo, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau với những diễn biến khó lường sẽ là một trong những rủi ro cần giám sát chặt chẽ vì tác động trực tiếp của nó đối với các thị trường tài chính sẽ khiến nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn tài sản an toàn như vàng duy trì xuyên suốt năm 2020.
Ngoài ra, những bất ổn địa chính trị ở nhiều nước và môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu cũng làm tăng sức hút của vàng.
Tuy nhiên, các nhà chiến lược của ANZ cho rằng cần phải chú ý đến nhu cầu vàng ở châu Á sau khi nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm 53% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 của năm nay do giá vàng tăng cao. Theo họ, một trong những rủi ro cản đà tăng của giá vàng là các vị thế mua nắm giữ vàng đang quá lớn trên thị trường có thể kích hoạt một làn sóng bán tháo vào năm 2020. Họ cảnh báo: “Tình trạng đầu cơ ở mức cao có thể khiến giá vàng đối mặt rủi ro giật lùi”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng 12, Aakash Doshi, nhà chiến lược hàng hóa cao cấp ở Ngân hàng Citigroup, dự báo giá vàng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Comex ở New York sẽ đạt mức trung bình 1.575 đô la/ounce cho cả năm 2020 và có thể tăng lên mức trên 1.600 đô la/ounce vào cuối năm sau.
Ông cho rằng vàng còn dư địa tăng giá vì rất ít khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm sau trong bối cảnh rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại vẫn hiện hữu, lạm phát ở Mỹ còn thấp và các rủi ro căng thẳng thương mại trên toàn cầu, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài dai dẳng trong năm 2020.
Theo Ngân hàng Citigroup, trong kịch bản tăng giá mạnh nhất, vàng có thể tăng lên mức kỷ lục trên 2.000 đô la/ounce vào năm 2021 hoặc năm 2022 nếu xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì, Fed giảm lãi suất hướng về mức 0%, nguy cơ suy thoái toàn cầu tăng cao do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và các bất ổn địa chính trị trên toàn cầu gia tăng.
Trong một báo cáo đưa ra hồi đầu tháng 12, các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs cũng cho rằng vàng có thể tăng giá lên mức 1.600 đô/ounce vào năm 2020.
Báo cáo liệt kê một loạt lý do có thể hỗ trợ cho vàng vào năm tới. Thứ nhất, bất ổn chính trị liên quan đến biểu tình ở Hồng Kông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các cuộc tranh chấp thương mại khác cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 sẽ khiến thị trường chứng khoán suy giảm và dòng tiền sẽ đổ vào các tài sản an toàn như vàng.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể mua ròng thêm 650 tấn vàng vào năm sau khi mua khoảng 750 tấn vàng trong năm 2019.
Thứ ba, mức tiết kiệm của hộ gia đình đang tăng ở những nước đang phát triển cộng với mức đầu tư giảm sút trên toàn cầu sẽ khiến lượng tiền tiết kiệm dồi dào hơn, do vậy sẽ có nhiều người dân có tiền nhàn rỗi để mua vàng.
Thứ tư, nguồn cung vàng tăng chậm vì sản lượng vàng khai thác trên toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2% mỗi năm trong vài năm tới do chi tiêu đầu tư cho các mỏ vàng bị hạn chế.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại không quá lạc quan về thị trường vàng trong năm tới. Trong một báo cáo đưa ra hồi đầu tháng 12, Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BoAML) cho rằng giá vàng sẽ đạt mức trung bình 1.494 đô la/ounce vào năm sau.
Michael Widmer, nhà chiến lược kim loại quí ở BoAML, nhận định rất khó để lạc quan với giá vàng vào năm tới khi mà chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed dường như đã kết thúc. Ông nói: “Vàng thiếu chất xúc tác để tăng giá lên mức cao hơn trong năm 2020”.
Thậm chí, các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan Chase còn khuyên giới đầu tư nên mua vào cổ phiếu và bán vàng trong năm tới vì họ nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu ổn định trở lại và sẽ phục hồi vào năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận