Mỹ vẫn mua dầu của Nga giữa căng thẳng về Ukraine?
Mặc dù là nhà sản xuất toàn cầu hàng đầu, Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu thô của Nga để phục vụ các thị trường ven biển và để duy trì các nhà máy lọc dầu hoạt động ở mức tối ưu.
Theo tờ The Wall Street Journal ngày 2/3, cách đây vài năm, việc bùng nổ khai thác mỏ đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng vẫn phải nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày từ các khu vực khác trên toàn cầu, trong đó có Nga.
Sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, một số người trong Quốc hội Mỹ đã hối thúc Chính quyền Biden nhanh chóng giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Mỹ, thậm chí còn đề nghị cấm vận chuyển loại hàng hóa này.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu thô của Nga vì một số lý do. Thứ nhất, Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều dầu hơn so với các công ty khai thác trong nước, do đó nước này phải nhập khẩu từ một số nguồn cung từ bên ngoài.
Trên thực tế, nước này ít phụ thuộc vào dầu của Nga hơn châu Âu và chỉ chiếm một phần nhỏ lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga. Mỹ nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Canada, Mexico và Saudi Arabia. Các nước nhỏ hơn ở Mỹ Latinh và Tây Phi cũng thường xuất khẩu nhiều dầu thô đến Mỹ hơn Nga.
Ông Andy Lipow, Chủ tịch Các hiệp hội Dầu Lipow LLC ở Houston, cho biết khoảng 8% nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế, tương đương khoảng 672.000 thùng/ngày của Mỹ đến từ Nga vào năm ngoái. Trong đó, dầu thô của Nga chiếm khoảng 3% lượng nhập khẩu của Washington, khoảng 200.000 thùng/ngày.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giữa năm 2021, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Nga đạt mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là, trong khi Mỹ xuất khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày, tại sao nước này vẫn nhập khẩu dầu của Nga?
Đạo luật Jones, được thông qua cách đây một thế kỷ, đã giới hạn kích thước tàu thuyền được phép vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ. Điều đó đã khiến những nhà xuất khẩu dầu của Mỹ không thể vận chuyển nguồn cung tối đa ra bên ngoài các khu vực khác.
Việc các công ty vận chuyển dầu từ vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ đến Bờ Đông và Tây bằng những con tàu nhỏ như vậy sẽ không mang lại lợi nhuận vì tăng chi phía vận tải. Do đó, các nhà máy lọc dầu dọc theo bờ biển này hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Một lý do khác là các nhà máy lọc dầu của Mỹ cần nhiều loại dầu thô khác nhau. Mỹ mua dầu của Nga một phần để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu cần các loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn để làm nhiên liệu ở công suất cao nhất. Ông Lipow cho biết, các nhà máy lọc dầu của Mỹ được thiết kế từ nhiều thập kỷ trước để sử dụng các loại dầu thô nặng hơn, thường có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn.
Hiện khoảng một nửa lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu từ Nga được chuyển đến Bờ Tây, nơi các nhà máy lọc dầu nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài vì chúng không được kết nối bằng đường ống dẫn đến Permian Basin, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ở Bờ Tây nhập dầu thô của Nga được vận chuyển từ cảng Kozmino ở phía Đông của Nga trên Thái Bình Dương.
Một phần tư lượng dầu khác, khoảng 50.000 thùng/ngày, được chuyển đến Bờ Đông, nơi các nhà máy lọc dầu cũng không được kết nối bằng đường ống với các nguồn sản xuất dầu hàng đầu hiện nay của Mỹ. 1/4 còn lại thường được chuyển đến vùng duyên hải Vịnh Mexico, nơi loại dầu thô Urals của Nga, có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn hầu hết các loại dầu thô được sản xuất ở Mỹ, được coi là có lợi nhuận hơn khi sử dụng trong các nhà máy lọc dầu được thiết kế để chạy cái gọi là loại dầu chua (dầu có chứa lượng lớn tạp chất lưu huỳnh).
Do đó, các động thái hạn chế xuất nhập khẩu dầu thô của Nga có thể được thị trường dầu mỏ giải thích là một tổn thất khác đối với nguồn cung toàn cầu vốn đã eo hẹp, có thể làm tăng thêm chi phí đối với người tiêu dùng. Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác cho biết họ sẽ giải phóng 60 triệu thùng từ các kho dự trữ khẩn cấp để tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng lên hơn 110 USD/thùng ngày 2/3 sau khi một số nhà máy lọc dầu từ chối mua dầu của Nga do nguy cơ họ có thể bị trừng phạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận