24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ: "Tháo ngòi nổ" khủng hoảng Ukraine, sai một li đi một dặm

Sau những quan điểm gây hoang mang của ông Biden liên quan đến khủng hoảng Ukraine, Washington đang phải xoa dịu để tránh rạn nứt nội bộ.

Vai trò tiên phong "tháo ngòi nổ"

Ngày 21/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong nỗ lực mới nhất nhằm “tháo ngòi nổ” cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao vẫn bi quan về những cơ hội có sự đột phá. Và với những phát biểu mâu thuẫn nhau gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington có thể ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì sự nhất trí giữa các đồng minh trong ứng xử với Nga.

Washington đã ngay lập tức bác bỏ các yêu cầu của Nga về những đảm bảo chính thức rằng, Ukraine sẽ không được phép gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu ở châu Âu, cũng như những đòi hỏi của Moscow về hạn chế sự hiện diện của các lực lượng phương Tây tại một số nước Trung và Đông Âu.

Thay vào đó, Mỹ đã đề nghị Nga tiến hành thảo luận về kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm trấn an Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, không có mối đe dọa nào từ phương Tây đối với đất nước của ông.

Moscow đã tỏ ra không quan tâm đến những đề xuất như vậy. Vòng đàm phán căng thẳng giữa các nhà ngoại giao của Mỹ và Nga diễn ra ở các thành phố khác nhau của châu Âu vào tuần trước đã không phá vỡ được tình trạng bế tắc và làm gia tăng những lo lắng về hành động tiếp theo của Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng, nếu không đạt được điều mình muốn, ông sẽ sử dụng cái gọi là “các biện pháp kỹ thuật quân sự”, một ám chỉ việc ông sẽ ra lệnh binh lính tiến vào Ukraine.

Việc Nga đồng ý tham gia vòng đàm phán khác ở cấp ngoại trưởng vào ngày 21/1 được Washington coi là đáng khích lệ.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có lẽ ngoại giao vẫn còn tác dụng. Tuy nhiên, không hề có bất kỳ dấu hiệu nào từ giới chính khách Nga cho thấy ông Putin sẵn sàng thỏa hiệp. Cũng không có bất kỳ sự ngừng lại nào trong công tác chuẩn bị quân sự của Nga cho một cuộc xâm lược tiềm tàng. Hơn 100.000 lính Nga hiện đang tập trung ở biên giới với Ukraine và các lực lượng cơ động cao bổ sung cũng đang được triển khai.

Cho đến nay, chính quyền Mỹ ít nhất có thể cảm thấy thoải mái từ thực tế là hầu hết tất cả các quốc gia châu Âu đã không chỉ hoàn toàn ủng hộ Washington, mà còn rõ ràng chấp nhận người Mỹ sẽ đại diện để đàm phán với Nga.

Vì vậy, mặc dù các quan chức trong Liên minh châu Âu (EU) một cách riêng tư đã bày tỏ thất vọng với thực tế là EU không có đại diện trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga về an ninh của lục địa này. Nhưng không một quốc gia nào của châu Âu, thậm chỉ cả Pháp, nước có truyền thống đưa ra quan điểm mập mờ về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ - đặt câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Rạn nứt khó tránh khỏi

Tuy nhiên, cuộc đọ sức với Nga càng kéo dài thì sự thống nhất của phương Tây dường như càng rạn nứt. Đức tiếp tục nổi bật là một đối tác không dễ chịu. Một mặt, chính phủ mới của Thủ tướng Olaf Scholz kiên quyết từ chối các yêu cầu của Nga. Các nhà chức trách Đức cũng đã cam kết hoàn toàn ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể được áp đặt đối với Nga trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht dường như đã phá vỡ lập trường của chính phủ bằng việc bày tỏ phản đối các kế hoạch dự phòng nhằm cản trở đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức, được coi như một phần của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong tương lai có thể được áp đặt chống lại Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã phá vỡ sự im lặng của mình bằng việc ủng hộ châu Âu cần có một tiếng nói cụ thể trong việc đối phó với Nga.

Tổng thống Macron đã phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng “Thật là tốt khi châu Âu và Mỹ phối hợp, nhưng người châu Âu cần phải tiến hành cuộc đối thoại của riêng mình. Chúng ta phải cùng nhau đưa ra một đề xuất chung, một tầm nhìn chung và một trật tự an ninh, ổn định mới cho châu Âu”.

Tuy nhiên, sự bối rối lớn nhất giữa các đồng minh của Mỹ có thể đã được thúc đẩy bởi không ai khác ngoài chính Tổng thống Biden. Trong bài phát biểu ngày 19/1 vừa qua, ông đã bày tỏ quan điểm, rằng Nga sẽ có động thái quân sự đối với Ukraine, nhưng cũng cho rằng nếu quân đội Nga chỉ can dự vào cái mà ông gọi là “một cuộc xâm nhập nhỏ”, thì phản ứng của Mỹ có thể nhẹ nhàng.

Sau đó, Nhà Trắng đã vội vã tìm cách loại bỏ những đồn đoán rằng Chính quyền Biden hiện sẽ không có phản ứng gì trước sự can thiệp của Nga, miễn là nó không dẫn đến sự chiếm đóng hoàn toàn Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Nếu các lực lượng quân sự của Nga vượt qua biên giới Ukraine, đó là một cuộc xâm lược mới, khi đó Nga sẽ phải đối mặt với một sự đáp trả nhanh chóng, nghiêm trọng và thống nhất từ Mỹ và các đồng minh của chúng ta”.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ, đặc biệt là các nước gần biên giới với Nga đã vô cùng lo lắng bởi những động thái khó hiểu từ Washington. Tuy nhiên, một trong những sứ mệnh then chốt của Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc đàm phán lần này không chỉ là thăm dò người Nga về một giải pháp ngoại giao tiềm tàng, mà còn làm dịu những lo ngại ngày càng căng thẳng của người châu Âu.

Cuộc gặp của ông ngày 20/1 tại Berlin với người đồng cấp từ Anh, Pháp và Đức nhằm mục đích khẳng định lại sự thống nhất về mục tiêu của châu Âu. Trong một bài phát biểu quan trọng tại Đức, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định rằng chủ quyền của Ukraine “là nguyên tắc toàn cầu bất khả xâm phạm”, đồng thời cũng tìm cách trực tiếp nhắn gửi người Nga rằng, Mỹ không tìm cách đe dọa an ninh của họ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu tất cả những điều này có đủ để ngăn chặn Tổng thống Putin sử dụng vũ lực nhằm vào Ukraine hay không.

(theo The Straits Times)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả