Mỹ muốn giảm giá đồng bạc xanh, nguy cơ chiến tranh tiền tệ?
Rủi ro chiến tranh tiền tệ toàn cầu đang tăng lên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ý định muốn giảm giá đồng đô la vì cho rằng đồng bạc xanh đang bị định giá cao quá mức, kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump bày tỏ phàn nàn trên Twitter rằng Trung Quốc và châu Âu đang tham gia “cuộc chơi thao túng tiền tệ lớn” nên Mỹ cần phải hành động tương ứng, thay vì ngồi nhìn một cách “lịch sự”.
Điều này ngay lập tức khiến giới quan sát suy đoán ông có thể ra lệnh bán đồng bạc xanh vốn đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Hôm 17-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định đồng đô la đang cao hơn ít nhất 6% so với các yếu tố cơ bản kinh tế hiện nay của Mỹ.
Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 17-7, các nhà kinh tế của Ngân hàng Citigroup nhận định: “Các điều kiện dường như đang thuận lợi để chính quyền Mỹ can thiệp chống lại mức định giá quá cao của đồng đô la”.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America cảnh báo rằng phát biểu của ông Trump có thể khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về các quyết định nâng lãi suất, khiến đồng đô la mạnh lên đồng thời phàn nàn rằng mức định giá cao đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Trong khi ngày càng có dấu hiệu cho thấy Fed sẽ ra quyết định cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này, động thái khó có thể làm suy yếu đồng đô la về mức mà ông Trump mong muốn.
Một đồng đô la yếu hơn có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ nâng cao tính cạnh tranh trên toàn cầu nhờ hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ ít đắt đỏ hơn, từ đó, giúp củng cố nền kinh tế và có khả năng hỗ trợ cho nỗ lực tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Tuy nhiên, một quyết định can thiệp để giảm giá đồng đô la có thể vấp phải sự phản kháng từ các nước khác, gây đe dọa cho vị thế của đồng tiền vốn là loại tiền tệ dự trữ của thế giới và có thể châm ngòi cho một cơn hỗn loạn trên thị trường.
Vẫn không rõ bằng cách nào chính quyền ông Donald Trump có thể làm giảm giá mạnh đồng đô la mà không cần sự hỗ trợ của Fed (vì cơ quan này hoạt động độc lập) hay các thẩm quyền mới từ quốc hội Mỹ.
Để làm suy yếu đồng đô la, Bộ Tài chính Mỹ có thể bán đồng bạc xanh trong kho dự trữ để mua vào các ngoại tệ khác. Phần lớn 126 tỉ đô la dự trữ của nước này nằm trong Quỹ Bình ổn hối đoái (ESF) của Bộ Tài chính Mỹ. Nhưng nếu các hành động bán đồng đô la đơn phương của Washington châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ khi các nước khác cũng tìm cách hạ giá các đồng tiền của họ, thì lượng tiền 126 tỉ đô la không đủ để giúp Mỹ giành chiến thắng.
“Có rất nhiều quỹ phòng hộ nắm giữ lượng tiền đô la lớn hơn mức đó”, Paul Ashworth, nhà kinh tế ở tổ chức tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh), nói. Trung Quốc cũng có đến 3.100 tỉ đô la trong kho dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, có gần 5.000 tỉ đô la được giao dịch trên các thị trường tiền tệ mỗi ngày.
Để có thể can thiệp tỷ giá đồng đô la mạnh mẽ hơn, Bộ Tài chính Mỹ có thể yêu cầu các nguồn lực hỗ trợ của Fed, cơ quan đang nắm giữ các tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đô la. Ngoài ra, chính quyền ông Donald Trump có thể thuyết phục quốc hội dỡ bỏ giới hạn trần nợ của Bộ Tài chính cho phép bộ này huy động thêm tiền để mua các ngoại tệ khác.
Joseph Gagnon, học giả ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nói: “Nếu có thể dỡ bỏ trần nợ, rõ ràng Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ”.
Song việc đưa Fed tham gia nỗ lực can thiệp giảm giá đô la cũng tạo ra những thách thức khác. Fed điều hành lãi suất để đáp ứng các nhiệm vụ mà quốc hội Mỹ giao phó bao gồm: ổn định giá cả, tạo ra việc làm ở mức tối đa và ổn định lãi suất trong dài hạn.
Đồng đô la suy yếu có thể khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đắt đỏ hơn và giúp Fed đạt mục tiêu thúc đẩy lạm phát lên mức 2%/năm. Tuy nhiên, việc can thiệp của các thị trường ngoại hối để kéo giá đồng đô la đi xuống sẽ vi phạm một thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2013, trong đó các thành viên cam kết không can thiệp tỷ giá hối đoái để đáp ứng các mục tiêu kinh tế của họ.
Brad Setser, học giả ở Hội đồng Ngoại giao (CFR), New York, nói: “Vẫn không rõ liệu Fed có sẵn sàng đơn phương hành động theo một cách thức có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phản kháng hay không”.
Dù bán mạnh đồng bạc xanh, chưa chắc Washington có thể kiểm soát giá trị của đồng đô la vốn phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và sự hấp dẫn của các tài sản có giá trị được ấn định dựa vào đồng đô la. Hơn nữa, đồng đô la mạnh lên một phần là do sự suy yếu tương đối của nền kinh tế châu Âu, khiến ECB duy trì các mức lãi suất thấp của đồng euro trong khi đó, Fed nâng lãi suất kể từ năm 2015.
Đồng đô la mạnh lên trong thời gian gần đây khi giới đầu tư giảm khẩu vị tài sản rủi ro như cổ phiếu giữa lúc các căng thẳng thương mại leo thang và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ. Đồng tiền này vẫn có thể suy yếu dù Mỹ không thực sự tiến hành biện pháp can thiệp nào.
Stan Shipley, nhà chiến lược ở Ngân hàng đầu tư ISI Evercore cho rằng các thông tin về việc chính quyền ông Donald Trump lên kế hoạch can thiệp tỷ giá đồng đô la cũng có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng bạc xanh.
Ngoài ra, quyết định cắt giảm lãi suất của Fed theo dự kiến vào cuối tháng này và các lần hạ lãi suất tiếp theo dự báo vào năm sau có thể làm suy yếu đồng đô la. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ được dự báo chậm lại và thâm hụt ngân sách đang nới rộng của Mỹ cũng có thể khiến giá đô la tụt giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận