24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ liên tục gây sức ép, Ấn Độ có chịu 'dứt tình' với Nga?

Mỹ không ngừng gây sức ép, nhưng Ấn Độ vẫn đang tiếp tục mua dầu mỏ với giá chiết khấu và vũ khí của Nga.

Mỹ tiếp tục lên tiếng cảnh báo yêu cầu Ấn Độ dừng các hoạt động hợp tác sâu sắc hơn với Nga, giữa lúc Washington ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt chống lại Moscow liên quan tới chiến sự ở Ukraine.

Phát biểu trước cuộc họp với giới chức Ấn Độ hôm 31/3, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ phụ trách lĩnh vực kinh tế thế giới là ông Daleep Singh đã yêu cầu Ấn Độ giảm bớt các mối quan hệ kinh tế và quân sự với Nga, đồng thời cảnh báo “hậu quả” với bất cứ quốc gia nào có ý định hỗ trợ Moscow né tránh làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Cụ thể, ông Singh hối thúc New Delhi không đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga và tránh mọi động thái nhằm “hạ thấp” đồng USD.

“Điều chúng tôi không muốn chứng kiến là sự gia tăng nhanh chóng hoạt động nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ liên quan tới năng lượng hay bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào gần đây bị Mỹ cấm”, RT dẫn lời Singh.

Cũng theo ông Singh, Mỹ “kêu gọi toàn bộ các nước đặc biệt là những quốc gia đồng minh và đối tác không tạo ra cơ chế làm chỗ dựa cho đồng rúp và gây ảnh hưởng tới hệ thống tài chính sử dụng đồng USD”.

Trong chuyến thăm tới Ấn Độ, ông Singh tiếp tục chỉ trích Nga thực hiện “cuộc chiến vô lý” ở Ukraine, đồng thời cảnh báo “sẽ có hậu quả đối với những nước cố tình né tránh hoặc bù đắp những lệnh trừng phạt đã được ban hành với Nga”.

Khi được hỏi về chi tiết “hậu quả” như lời cảnh báo, ông Singh đã từ chối trả lời và nói rằng đây là một phần trong “cuộc thảo luận riêng tư và không thể công khai”.

Nhận định của ông Singh được công bố trong bối cảnh Moscow và New Delhi đang triển khai hệ thống thanh toán sử dụng đồng rúp và rupee nhằm cho phép hai nước thực hiện giao dịch thương mại song phương bằng đồng nội tệ.

Gần đây, Ấn Độ đã đồng thuận mua số lượng lớn dầu thô của Nga với giá chiết khấu, bất chấp việc Mỹ và một số đồng minh ban hành lệnh trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế và hạ giá đồng rúp của Nga.

Cũng trong ngày 31/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tới thủ đô New Delhi. Chuyến thăm của ông Lavrov trùng với thời điểm diễn ra cuộc họp giữa giới chức Ấn Độ với ông Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss.

Chuyến thăm của ông Lavrov tới New Delhi là chuyến thăm cấp cao nhất của giới lãnh đạo Nga kể từ khi Moscow phát động tấn công Ukraine.

Dù giới chức Mỹ, Australia và Anh nhiều lần chỉ trích Ấn Độ từ chối thi hành các lệnh trừng phạt đã ban hành với Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington hiện “không tìm cách làm thay đổi mối quan hệ của bất cứ quốc gia nào với Nga” mà cụ thể là Ấn Độ.

Đáng nói, ông Singh còn nhắc nhở Ấn Độ về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nga – Trung Quốc. Ông Singh cho rằng quan hệ giữa Nga – Trung có thể dẫn tới hậu quả lớn cho Ấn Độ, giữa lúc Bắc Kinh và New Delhi vẫn đang bế tắc trong tiến trình hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp biên giới. Theo vị quan chức Mỹ, Nga sẽ không “hỗ trợ quốc phòng cho Ấn Độ” trong trường hợp Trung Quốc tấn công.

Ấn Độ đang mua gì của Nga?

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phản ứng của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có sự khác biệt. Điển hình, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã lên tiếng ủng hộ lệnh trừng phạt mà phương Tây ban hành với Nga, song Ấn Độ và Trung Quốc lại không như vậy.

Trên thực tế, về lĩnh vực kinh tế, cuộc chiến ở Ukraine gây ít ảnh hưởng hơn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương so với châu Âu, nơi phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô từ Nga.

Thậm chí, chiến sự ở Ukraine còn giúp một số nước châu Á được hưởng lợi kinh tế. Điển hình, Ấn Độ liên tiếp ký hợp đồng mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Theo Bloomberg, ngoài các công ty năng lượng tư nhân, Tập đoàn quốc doanh Indian Oil Corp của Ấn Độ cũng đã ký kết thỏa thuận với tập đoàn năng lượng Nga Rosneft PJSC để mua 3 triệu tấn dầu thô trong năm nay.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri nhấn mạnh, New Delhi đang tiếp tục xem xét các phương án về số lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga. Cho tới hiện tại, lượng dầu nhập khẩu từ Nga chiếm 2% trong tổng số dầu nhập khẩu vào Ấn Độ. Ngoài ra, hơn 60% dầu nhập khẩu vào Ấn Độ là từ Trung Đông.

Theo ông Louise Dickson, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn trong lĩnh vực năng lượng Rystad Energy ở Na Uy, ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Âu như Hà Lan và Ba Lan vẫn đang mua dầu thô của Nga.

Cũng theo Bloomberg, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã phản đối sức ép từ các nước phương Tây về việc dừng giao thương với Nga mà cụ thể mua bán dầu khí và vũ khí.

Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Do đó, New Delhi khẳng định hoạt động mua bán vũ khí với Nga là cần thiết để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.

Liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, thay vì lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ như 3 nước thành viên trong Bộ Tứ Kim Cương là Mỹ, Nhật Bản và Australia, Ấn Độ chỉ tuyên bố Nga và Ukraine nên chấm dứt sự thù địch và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại. Thái độ của Ấn Độ khiến các nước còn lại trong Bộ Tứ Kim Cương yêu cầu New Delhi thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn, giữa lúc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng cô lập Nga.

Tuy nhiên, sau khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, Ấn Độ và Nga đã tiến hành thảo luận về việc dùng đồng rúp và rupee để giao thương song phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
4.07 -0.04 (-0.96%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả