menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Mỹ đòi lại những gì “bỏ rơi” ở TPP

Bằng thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, liệu có phải Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần đòi lại những gì đã mất khi nước này rời bỏ Hiệp định TPP.

Thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, qua đó cho phép các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ tiếp cận nhiều hơn tới thị trường Nhật Bản, trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ tạm tránh được mức thuế bổ sung. Thỏa thuận được cho là ít nhất đã giành lại lợi ích của nông dân Mỹ vốn đã bị “bỏ rơi” khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức.

Thắng lợi cho nông dân Mỹ

Thỏa thuận trên sẽ bãi bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với 7,2 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thịt bò và giúp nông dân Mỹ có vị thế ngang hàng với đối thủ cạnh tranh Australia và Canada - những nước đã cùng với Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Còn Nhật Bản sẽ ngay lập tức hạ mức thuế từ 38,5% xuống còn 26,6% đối với thịt bò Mỹ và giảm dần mỗi năm cho đến khi xuống 9% vào năm 2033. Về phía Mỹ, nước này sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản, như một số thiết bị sản xuất hoặc linh kiện cho các bộ phận điều hòa không khí. Ô tô và linh kiện ô tô Nhật Bản cũng tạm thời tránh khỏi đe dọa áp mức thuế 25%, duy trì mức 2,5% như hiện nay cho đến cuộc đàm phán tiếp theo.

Thịt lợn, phô mai và rượu vang nằm trong số mặt hàng của Mỹ sẽ có sự tiếp cận lớn hơn đối với thị trường Nhật Bản, có nghĩa người tiêu dùng Nhật Bản có thể mua với giá rẻ hơn. Trong khi đó, Mỹ cũng sẵn sàng tăng nhập khẩu thịt bò wagyu thông qua việc dỡ bỏ hạn ngạch 200 tấn/năm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhất trí tiếp tục đàm phán để có một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa hai nền kinh tế chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Chỉ là thay đổi cuộc chơi

Nông dân Mỹ đã gặp bất lợi lớn tại Nhật Bản, kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi TPP - vốn được người tiền nhiệm là Tổng thống Obama coi như một chính sách chủ lực. 11 quốc gia Thái Bình Dương còn lại (không có Mỹ), trong đó có các nhà sản xuất nông nghiệp lớn như New Zealand và Canada đã đi trước một bước và đang được hưởng ưu đãi tại Nhật Bản.

Nhưng ông Trump gọi thỏa thuận song phương với Tokyo là một chiến thắng phi thường dành cho nông dân Mỹ khi có thể giúp các chủ trang trại Mỹ thay đổi cuộc chơi với các đối tác Nhật Bản.

Người ta từng đồn đoán thỏa thuận song phương đã cung cấp thêm quyền truy cập vào thị trường Nhật Bản cho một số mặt hàng nông sản Mỹ, tốt hơn so với Hiệp định TPP mà Mỹ đã từ bỏ vào năm 2017. Nhưng nếu nói, thỏa thuận này có mục đích khôi phục thị phần của nông dân Mỹ tại thị trường Nhật Bản, vốn đã bị mất vào tay các đối thủ cạnh tranh như Australia, New Zealand và Canada, kể từ khi Mỹ không còn là một đối tác trong TPP thì không chính xác.

Trên thực tế, một số nông sản của Mỹ đã không nhận được quyền vào thị trường Nhật Bản tốt như những gì có thể đã được nhận từ TPP. Chẳng hạn, bơ, sữa bột gầy và sữa đặc không đường, cùng với một số loại ngũ cốc Mỹ sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các thành viên Hiệp định TPP khác về hạn ngạch nhập khẩu mới của Nhật Bản theo thỏa thuận Vành đai Thái Bình Dương.

Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng đã để lại nhiều không gian hơn cho các thương hiệu như Anchor của Pháp hay Western Star của Australia… Mà trong thỏa thuận song phương, Nhật Bản đã từ chối cấp cho Mỹ một hạn ngạch giống như trong TPP. Trong khi các thương hiệu của EU lại giành được quyền này, trong thỏa thuận thương mại Nhật Bản - EU đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2019.

Matthew Goodman, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho rằng, đúng là có một số ngành được hưởng lợi từ thỏa thuận Mỹ - Nhật, nhưng chỉ bù đắp được một phần lợi ích mà Washington đã mất đi khi rút khỏi TPP. “Nhìn rộng hơn, đây không phải là một thỏa thuận có ý nghĩa cao từ góc độ thương mại, vì không chạm vào mặt hàng lớn nhất trong thương mại song phương là ô tô và phụ tùng”, chuyên gia Matthew phân tích.

Một thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật mà chỉ tập trung vào nông nghiệp đã khiến những vấn đề không được đề cập trở nên đáng chú ý hơn. Thỏa thuận không bao gồm phần lớn sản phẩm tạo nên mối quan hệ thương mại Mỹ - Nhật, đáng chú ý như ô tô từ Nhật Bản và máy bay, khí propan hóa lỏng và thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ Mỹ.

Tính đến nay, ô tô và phụ tùng là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Nhật sang Mỹ, ở mức 56 tỷ USD trong năm 2018, nhưng đã được bỏ lại cho các cuộc đàm phán sau này.

Thiệt hơn và lợi hơn

Theo thỏa thuận thương mại song phương mới, người trồng lúa ở Mỹ đã được hưởng lợi, vì đã bỏ được thuế quan và hạn ngạch đối với gạo Mỹ vốn đã bị thiết lập từ những năm 1990. Nhưng theo TPP, Nhật Bản từng chấp thuận 70.000 tấn gạo Mỹ/năm miễn thuế theo hạn ngạch cụ thể, rất tiếc, điều khoản này đã không xuất hiện trong thỏa thuận mới và người Mỹ nuôi hy vọng trong giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Có thể trong tương lai khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản của lúa gạo Mỹ sẽ được cải thiện, tuy nhiên, người ta tin rằng, thỏa thuận song phương sẽ không cung cấp cho Mỹ quyền truy cập vào mức hạn ngạch “hào phóng” như trong TPP – tăng hàng năm thêm 65.000 tấn trong vòng chín năm.

Tuy nhiên, điểm nhấn chính của Hiệp định song phương Mỹ - Nhật so với TPP được cho là thỏa thuận về kỹ thuật số - được mô tả như là TPP+, vốn phù hợp với các mục tiêu của Mỹ nhằm thiết lập các quy tắc thương mại điện tử và Internet toàn cầu.

Thủ tướng Abe Shinzo cho biết, thỏa thuận song phương về kỹ thuật số đã khẳng định Nhật Bản là một đồng minh của Mỹ trong việc thiết lập nên các quy tắc Internet mở và tiêu chuẩn cao cho thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả