Mỹ có thể sắp công bố mức thuế mới đối với xe điện của Trung Quốc
Theo một quan chức Mỹ và một người khác quen thuộc với kế hoạch này, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch áp các mức thuế quan mới đối với xe điện, chất bán dẫn, thiết bị năng lượng mặt trời và vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đặc biệt, thuế quan đối với xe điện có thể tăng gấp bốn lần - từ mức 25% hiện tại lên 100% và điều này sẽ khiến việc mua một chiếc xe điện từ Trung Quốc trở nên cực kỳ đắt đỏ.
Các mức thuế dự kiến sẽ được công bố vào thứ Ba (14/5) trong bối cảnh các quan chức của Mỹ bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất xe điện và các sản phẩm khác mà họ cho rằng có mối đe dọa đối với việc làm và an ninh quốc gia của Mỹ.
Các quốc gia công nghiệp hóa bao gồm Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lo ngại về làn sóng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc sẽ lấn át ngành sản xuất trong nước. Về phía Mỹ, có mối lo ngại đặc biệt rằng các sản phẩm năng lượng xanh của Trung Quốc sẽ làm suy yếu các khoản đầu tư lớn thân thiện với khí hậu được thực hiện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 8/2022.
Tổng thống Biden đã xác định chính sách của mình là “cạnh tranh với Trung Quốc, không phải xung đột”. Chính quyền Biden đã áp dụng một chiến lược công nghiệp sử dụng sự hỗ trợ tài chính của chính phủ để thu hút đầu tư tư nhân vào các nhà máy mới và công nghệ tiên tiến, đồng thời hạn chế bán chip máy tính và các thiết bị khác cho Trung Quốc.
Ngoài ra, thông báo mới dự kiến sẽ giữ nguyên một số mức thuế đã được áp dụng dưới thời chính quyền Trump, bao gồm khoảng 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế nhập khẩu mới sẽ bổ sung thêm các sản phẩm như ống tiêm và thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Trong khi đó, có nguy cơ thuế quan có thể dẫn đến xung đột thương mại rộng hơn giữa hai nước khi họ phản ứng trước các động thái của nhau. Trung Quốc đang tìm cách tạo ra lợi thế công nghệ và tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi kinh tế.
Một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hạ nhiệt hoạt động sản xuất pin lithium-ion dùng trong xe điện, điện thoại di động và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ phương Tây.
Trong tuần này, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định nhằm “tăng cường quản lý ngành công nghiệp pin lithium-ion và thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao của ngành”. Dự thảo cũng nêu rõ các nhà máy sản xuất pin lithium được xây dựng ở vùng đất nông nghiệp hoặc khu công nghiệp bị hạn chế nên ngừng hoạt động.
“Đại diện thương mại Mỹ của tôi đang điều tra các hoạt động thương mại của chính phủ Trung Quốc liên quan đến thép và nhôm…Nếu cuộc điều tra đó xác nhận những hành vi thương mại phản cạnh tranh này, thì tôi sẽ kêu gọi cô ấy xem xét tăng gấp ba mức thuế đối với cả nhập khẩu thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc”, Tổng thống Biden cho biết và nhằm nhắc tới Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ cũng đang vận động chính quyền Biden áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vì làn sóng các tấm pin và linh kiện năng lượng mặt trời giá rẻ tràn vào đã khiến giá trong lĩnh vực này giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Tháng trước, một nhóm gồm 7 nhà sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu của Mỹ đã chính thức đệ đơn khiếu nại thương mại đề nghị chính quyền Biden áp thuế đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời được nhập khẩu vào Mỹ từ Đông Nam Á, là nơi các công ty Trung Quốc đã chuyển địa điểm hoạt động để tránh các mức thuế hiện hành.
Philippa Martinez-Berrier, phát ngôn viên của liên minh các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ cho biết: “Chúng tôi hy vọng việc xem xét thuế quan được thực hiện nhằm hướng tới việc điều chỉnh thuế quan phù hợp với các ưu tiên chiến lược, bao gồm cả việc tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời trong nước”.
Mặt khác, trước viễn cảnh Mỹ áp mức thuế mới lên hàng hoá từ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian cho biết hôm thứ Sáu (10/5) rằng thuế quan của chính quyền Trump đã “làm gián đoạn nghiêm trọng trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ” và cho rằng chúng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Thay vì chấm dứt những hành vi sai lệch đó, Mỹ tiếp tục chính trị hóa các vấn đề thương mại…và lên kế hoạch tăng thuế…Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”, ông cho biết.
Vào năm 2020, dưới thời chính quyền Trump, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” cho phép mỗi nước xem xét lại thuế quan song phương sau 4 năm. Thỏa thuận song phương đó hiện vẫn có hiệu lực, nhưng Mỹ đã trì hoãn kết quả đánh giá khi thời hạn 4 năm được đưa ra vào tháng 1.
Thông tin này đã góp phần giúp cổ phiếu VFS trên sàn chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch. Theo đó, cổ phiếu VFS chốt phiên ở mức 4,56 USD, tăng 51,5% so với cuối tuần trước. Mức giá này vẫn thấp hơn gần 40% so với đầu năm nhưng so với đáy vào cuối tháng Tư thì VFS đã hồi phục gấp đôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận