Muốn cứu doanh nghiệp, phải giúp họ tồn tại được qua đại dịch
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng khi bàn về 3 nhóm giải pháp vừa được các doanh nghiệp đề xuất, nhằm “cứu” họ vượt qua đại dịch.
Giảm những “gánh nặng” đang “đè” lên các doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã có những kiến nghị đề xuất Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn.
Một số đề xuất được đưa ra như, đối với chính sách liên quan đến người lao động, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bằng cách cho tạm ngừng đóng BHXH ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ dịch Covid diễn ra; miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.
Về chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và chi phí “3 tại chỗ”.
Đối chính sách tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Trao đổi với Người Đưa Tin xung quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp của viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (bộ Công Thương) nhìn nhận: “Ảnh hưởng của đại dịch khiến đa số các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, trong đó có những doanh nghiệp đã phải “đầu hàng”, từ bỏ thị trường. Còn lại, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động thì cũng trong tình trạng lao đao. Cho nên giai đoạn này đang rất cần nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp”.
PGS.TS Phạm Tất Thắng phân tích: “Những giải pháp này đòi hỏi phải sớm đến được “tay” doanh nghiệp và phải rất thiết thực. Theo đó, nó phải giảm tải được các chi phí, giảm tải sức nặng khó khăn cho doanh nghiệp. Quan điểm trong hỗ trợ là phải giúp họ tồn tại được qua đại dịch, rồi từ đó mới gượng dậy được. Muốn như vậy thì các giải pháp phải mang tính chất đồng bộ.
Ví dụ, hiện nay có các chi phí của doanh nghiệp mà Nhà nước có thể hỗ trợ, giảm ngay được, đó là chi phí xét nghiệm; phí đường bộ; giảm, cho nợ hoặc miễn phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động, bởi vì thực chất họ không hoạt động mà chỉ muốn “giữ chân” người lao động để chờ vượt qua đại dịch sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh, sản xuất… Đây là những “gánh nặng” đang “đè” lên các doanh nghiệp".
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, vẫn cần có thêm các biện pháp hỗ trợ về tài chính và tín dụng. Nhà nước có thể xem xét giảm hoặc miễn một số loại thuế cho các doanh nghiệp, trong đó có thuế giá trị gia tăng.
"Tôi thấy, các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021. Có thể nói, những đề xuất này rất cụ thể. Tôi đồng tình với quan điểm này.
Ngoài ra, đối với các khoản thuế khác, Nhà nước cũng nên xem xét, nếu giảm, cho nợ hoặc miễn được cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ sớm, kịp thời”, ông Thắng nêu quan điểm.
Vị chuyên gia kinh tế nhìn nhận thêm: “Về mặt tín dụng, cần tìm ra các gói tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận được, với chi phí vốn thấp nhất, lãi tiền vay thấp nhất.
Bởi vì, các ngân hàng cũng phải kinh doanh, cho nên khâu này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giải quyết hài hòa giữa 2 nhóm doanh nghiệp – đó là nhóm doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ (ngân hàng) và nhóm sử dụng tiền tệ”.
Cần huy động nhiều nguồn lực xã hội
PGS.TS Phạm Tất Thắng đặt vấn đề: “Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, giai đoạn vừa qua, Nhà nước đã nỗ lực để tìm giải pháp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động. Trong điều kiện của chúng ta, Nhà nước chưa thực sự dư dả và còn phải chi cho nhiều thứ. Vì thế, cần huy động nhiều nguồn lực xã hội hướng về các doanh nghiệp và người lao động. Nếu làm được điều này thì rất tốt.
Chẳng hạn, các nguồn lực giúp cho người lao động của các doanh nghiệp thì cũng chính là góp phần giúp cho các doanh nghiệp duy trì, giữ được các vị trí việc làm cho người lao động; để sau khi chúng ta đã khống chế được dịch thì các doanh nghiệp đó không “vấp” phải tình trạng thiếu hụt lao động và bắt nhịp ngay vào sản xuất”.
Cũng trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề trên, ĐBQH - GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết thời gian qua chúng ta đã có loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống đại dịch Covid-19…
Trước đó, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Trong đó quy định, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, hiện nay, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đang là dự thảo. Tôi cho rằng, việc giảm thuế là nên làm vì hiện nay các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Nếu dịch kiểm soát được thì có lẽ sẽ không thể kéo dài thời gian giảm thuế. Chính sách hỗ trợ vượt qua đại dịch thì chỉ áp dụng trong giai đoạn dịch và thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch. Cần phải cân đối giữa các thành phần kinh tế để có chính sách phù hợp”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận