Mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD đã trong "tầm tay"
Dù mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng gần đây có xu hướng giảm dần nhưng VASEP dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm.
Về thị trường trong 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai, nhưng đây lại là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD trong 9 tháng qua.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang khối các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%; xuất khẩu thuỷ sản sang Liên minh châu Âu (EU) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ.
Dự báo về xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của Vasep, đưa ra nhận định: Mặc dù, Trung Quốc đang là thị trường khó đoán định, nhưng đây vẫn là thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm vì nhu cầu đang hồi phục và yếu tố địa lý thuận lợi cũng là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chi phí vận tải và ách tắc vận chuyển vẫn là vấn đề lớn của thương mại toàn cầu.
"Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mức kỷ lục 2,5 - 2,6 tỷ USD, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2021". Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của Vasep.
Với thị trường Hoa Kỳ, bà Lê Hẳng cho rằng nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi mà lạm phát giá thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng làm cho thị trường Hoa Kỳ chao đảo hơn, đồng thời cũng bước vào chu kỳ tăng nhu cầu cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới.
Lực đẩy cho thủy sản vào Hoa Kỳ còn nhìn thấy từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Kết quả cuối cùng của Cuộc rà soát quản lý thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18). Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng công ty dựa trên kết quả của POR17. Do đó, quyết định này không ảnh hưởng đến xu hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay.
Theo bà Lê Hằng, các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là điểm sáng đối với xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam.
"Ngoài tác động do lạm phát khiến người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm có giá vừa phải như cá tra thì thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP cũng là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm", bà Hằng nhận định.
Dù mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng gần đây có xu hướng giảm dần nhưng VASEP dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm. Tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thủy sản cho thấy kết quả từ việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản và tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40-45 nghìn tỷ đồng và đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 14-17 tỷ USD vào năm 2030 theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận